'Đã tới lúc Nhật Bản tái khởi động tiến trình cải cách kinh tế'

Nền kinh tế Nhật Bản đang cần những cú huých mạnh, các gói kích thích kinh tế gần đây được ví chỉ như steroid được bơm vào các tĩnh mạch đang bị "teo lại" của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Giao thông trên đường phố thủ đô Tokyo ngày 18/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giao thông trên đường phố thủ đô Tokyo ngày 18/5/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ Nikkei Asia Review đăng bài phân tích của chuyên gia William Pesek, tác giả của cuốn sách “Nhật Bản hóa: Những điều thế giới có thể học hỏi từ các thập kỷ mất mát của Nhật Bản,” về sự cần thiết phải tiến hành cải cách kinh tế ở Nhật Bản.

Tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Shinzo Abe đã trở thành vị Thủ tướng có thời gian tại nhiệm dài nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Năm nay, ông Abe muốn sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản và hy vọng sẽ “tỏa sáng dưới ánh đèn sân khấu” toàn cầu khi Tokyo đăng cai Thế vận hội Olympic 2020.

Tuy nhiên, trên thực tế, năm 2020 chỉ mang lại suy thoái kinh tế, các vụ bê bối, dịch bệnh và một vị thế bấp bênh cho Thủ tướng Abe.

Vào đầu năm nay, nhiều người đã nói về khả năng sửa đổi điều lệ của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền để cho phép Thủ tướng Abe có thể tiếp tục giữ chức Chủ tịch LDP nhiệm kỳ thứ tư liên tiếp.

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, câu hỏi lại là liệu Chính quyền của Thủ tướng Abe có thể tồn tại cho đến khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc hay không, trong bối cảnh các cử tri đang nghĩ về những cam kết cải cách kinh tế đã đưa Thủ tướng Abe lên nắm quyền vào năm 2012, nhưng vẫn chưa được thực hiện.

Các số liệu kinh tế gần đây của Nhật Bản không mấy tích cực. Trong tháng 5/2020, doanh số bán lẻ giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước, sau khi đã giảm 13,9% trong tháng Tư, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1998.

Trong tháng Sáu, tâm lý của các doanh nghiệp sản xuất lớn đã giảm mạnh nhất kể từ năm 2009. Cùng với các số liệu khác, điều này cho thấy tình trạng suy thoái kinh tế của Nhật Bản có thể tồi tệ hơn so với chính phủ công bố.

Tuy nhiên, điều khiến Thủ tướng Abe lo ngại hơn trên góc độ chính trị đó là theo kết quả thăm dò dư luận gần đây của nhật báo Asahi, có tới gần 70% cử tri Nhật Bản không còn quan tâm đến nhiệm kỳ thứ tư của ông Abe với tư cách Chủ tịch LDP, người sẽ giữ chức Thủ tướng nếu LDP tiếp tục là đảng cầm quyền.

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc tỷ lệ ủng hộ đối với Thủ tướng Abe sụt giảm.

Mặc dù số ca mắc COVID-19 ở Nhật Bản tương đối thấp, nhưng người ta cho rằng phản ứng của Thủ tướng Abe với dịch bệnh này không rõ ràng và không dứt khoát.

[Kinh tế Nhật Bản được nhận định “gần như ngừng suy giảm”]

Vụ bắt giữ cựu Bộ trưởng Tư pháp Katsuyuki Kawai vì nghi án mua phiếu bầu đã khiến nhiều người nhớ lại vô số vụ bê bối khác có liên quan tới LDP. Và sự bất hòa của Thủ tướng Abe với Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến nhiều cử tri lo lắng.

Nhìn bề ngoài, Nội các của Thủ tướng Abe có vẻ tích cực trong việc thúc đẩy nền kinh tế, vốn đã tăng trưởng âm 2,2% trong quý 1/2020, khi công bố các gói kích thích kinh tế có tổng trị giá hơn 2.000 tỷ USD để chống lại các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

'Đã tới lúc Nhật Bản tái khởi động tiến trình cải cách kinh tế' ảnh 1Cảng container ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Điều này có thể hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và giảm bớt đà suy giảm của Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) được dự báo lên tới 22% trong quý 2/2020.

Tuy nhiên, trên thực tế, có rất ít nỗ lực để giảm bớt tình trạng quan liêu, quốc tế hóa thị trường lao động, hỗ trợ cho sự bùng nổ của doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc trao quyền cho phụ nữ.

Đó chính là những cải cách mà Thủ tướng Abe đã cam kết thực hiện vào năm 2012. Kích thích mà không đi kèm với cải cách sẽ chỉ đưa Nhật Bản tới tình trạng như hiện nay.

Hơn lúc nào hết, nền kinh tế lớn thứ hai châu Á cần những cú huých mạnh. Các gói kích thích kinh tế gần đây được ví chỉ như steroid được bơm vào các tĩnh mạch đang bị "teo lại" của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Vì vậy, Tokyo cần phải chuyển hướng kích thích sang các nhà đổi mới sáng tạo muốn tạo ra sức mạnh kinh tế, và tránh xa các ngành công nghiệp đang thất thế trước Trung Quốc, Hàn Quốc và các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á.

Nhật Bản đã sử dụng các biện pháp kích thích kinh tế trong hơn 20 năm qua. Khi áp lực giảm phát mà Nhật Bản cho rằng họ đã đánh bại quay trở lại, ngày càng có nhiều người cho rằng kích thích kinh tế là một công thức tầm thường.

Thủ tướng Abe có thể bắt đầu quá trình hồi sinh các cuộc cải cách của mình bằng cách cải tổ đội ngũ kinh tế dường như không muốn thay đổi.

Mặt khác, Thủ tướng Abe cần công bố một loạt các nâng cấp trên mọi mặt, từ việc giúp khởi nghiệp dễ dàng hơn và tạo ra một hệ thống thuế doanh nghiệp có tính cạnh tranh hơn, cho đến việc nới lỏng các luật lao động và đơn giản hóa việc cấp thị thực.

Để khởi động lại tiến trình cải cách, Thủ tướng Abe sẽ phải vận dụng khả năng để cải tổ bộ máy hành chính mà ông đã không có trong 7 năm qua.

Tuy nhiên, nếu Thủ tướng Abe chậm tiến hành các thay đổi lớn về cơ cấu khi đà tăng trưởng hồi phục trở lại, thành quả mà ông thu được sẽ giảm dần./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục