Ngày 25/9, ban tổ chức cuộc thi Khám phá khoa học số ASEAN (ASEAN DSE) 2020 cấp quốc gia cho biết đã công bố kết quả chung kết cuộc thi theo hình thức trực tuyến, với ba giải nhất, nhì, ba đều đến từ Đại học RMIT.
Theo đó, giải nhất thuộc về đội CATFISH với hai thành viên Phùng Trần Diệu Hoa và Nguyễn Trường Thịnh. Dự án của đội CATFISH tập trung vào việc thúc đẩy khả năng hòa nhập kinh tế của nhóm người khuyết tật thông qua công nghệ số. Với danh hiệu vô địch, đội CATFISH sẽ đại diện Việt Nam tham dự vòng chung kết khu vực ASEAN DSE 2020 được tổ chức vào tháng 11 năm nay.
Giải nhì thuộc về đội Exploratores với hai thành viên Đào Lê Minh Nhật và Nguyễn Vũ Cát Tường với dự án giải quyết rác thải điện tử tại ASEAN.
Đội Futurists với hai thành viên là Mai Hoàng Mỹ Hảo và Vũ Phương Thảo giành giải ba chung cuộc cho dự án ứng dụng Fintech (công nghệ tài chính) với mục tiêu hỗ trợ nhóm người thu nhập thấp tham gia bảo hiểm sức khỏe vi mô (health microinsurance).
Cuộc thi Khám phá khoa học số ASEAN 2020 do Quỹ ASEAN và tập đoàn SAP tổ chức với mục đích xúc tiến các hoạt động xã hội và tư duy phản biện của sinh viên đại học ASEAN. Cuộc thi khuyến khích giới trẻ ASEAN sử dụng phần mềm SAP Analytics Cloud để phát triển và đưa ra giải pháp cho các vấn đề trực thuộc sáu mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, bao gồm: chăm sóc y tế và phúc lợi tốt; giáo dục chất lượng; bình đẳng giới; đảm bảo việc làm và tăng trưởng kinh tế; công nghiệp, sáng tạo và cơ sở hạ tầng; các cộng đồng và đô thị phát triển bền vững.
[Việt Nam giành giải nhất cuộc thi Khám phá Khoa học số ASEAN 2019]
Năm 2020, do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, vòng chung kết quốc gia được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Có 852 sinh viên trong khối ASEAN đã tham gia vòng chung kết quốc gia để giành cơ hội đại diện nước nhà tham dự vòng chung kết khu vực.
Ban tổ chức cho hay ban giám khảo chấm điểm dựa trên khả năng phân tích dữ liệu và phát triển một chủ đề nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế-xã hội tại ASEAN. Các tiêu chí chấm điểm bao gồm tính sáng tạo, khả thi, đổi mới cũng như khả năng thuyết phục của nhóm khi chứng minh việc triển khai thực hiện giải pháp.
Nhận xét về các đội thi, tiến sỹ Yang Mee Eng, Giám đốc Điều hành Quỹ ASEAN cho hay các đội tham dự đã khai thác dữ liệu một cách thuần thục và trình bày nhiều đề án xuất sáng tạo tại vòng chung kết quốc gia. Tiến sỹ Yang Mee Eng cho rằng đây là minh chứng cho những gì giới trẻ có thể thực hiện khi được tiếp xúc và trang bị các kỹ năng số phù hợp, cũng như khi có được một sân chơi bổ ích để thể hiện tài năng của mình. Theo đó, giới trẻ ASEAN hoàn toàn có thể xây dựng những giải pháp có ảnh hưởng tích cực, giúp cộng đồng phát triển thịnh vượng nếu được trao cơ hội.
Ngoài ra, giới trẻ có thể xây dựng các giải pháp góp phần phát triển cộng đồng cũng là điều mà các thành viên đội CATFISH tâm đắc nhất khi tham gia cuộc thi Khám phá Khoa học số ASEAN. Tinh thần thực sự của ASEAN DSE nằm ở việc trao quyền cho những người trẻ tiên phong giải quyết các vấn đề của thế giới. Tại ASEAN DSE, tinh thần chung sẽ là ‘chúng tôi có thể’ thay vì ‘bạn có thể’ hoặc ‘họ có thể.’
Bên cạnh cuộc thi, ban tổ chức còn hỗ trợ đào tạo kỹ năng phân tích dữ liệu cho các sinh viên, giảng viên các trường đại học, cao đẳng trong khu vực. Trong khuôn khổ cuộc thi năm nay đã có trên 4.500 sinh viên và giảng viên đã được đào tạo về phần mềm SAP Analytics Cloud. Tính từ khi thành lập vào năm 2017, ASEAN DSE đã hỗ trợ đào tạo các kỹ năng phân tích dữ liệu cho hơn 16.000 sinh viên và 1.420 giảng viên của 370 trường đại học và cao đẳng trong khu vực.
"ASEAN DSE là hiện thân cam kết của Quỹ ASEAN với SAP nhằm hỗ trợ giới trẻ trong khu vực có được các kỹ năng cần thiết trong tương lai, giúp họ phát triển và tự tin cạnh tranh trên phạm vi toàn cầu trong giai đoạn khó khăn hiện tại cũng như trong những năm tới," tiến sỹ Yang Mee Eng, Giám đốc Điều hành Quỹ ASEAN nói./.