Đã thu hồi toàn bộ số tiền hỗ trợ nhầm đối tượng bị ảnh hưởng do dịch

Chiều 10/11, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói: “Chính sách là đúng. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn điều này, điều kia.”
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 10/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết việc thực hiện các gói hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 bảo đảm tiến độ, đúng đối tượng, hiệu quả. “Chính sách là đúng. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn điều này, điều kia,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước cho một số văn nghệ sỹ mà như dư luận xã hội phản ánh và không đồng tình do có “thu nhập cao mà vẫn nhận hỗ trợ,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay: Trong quá trình triển khai, xây dựng Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có đề nghị hai đối tượng, gồm hướng dẫn viên du lịch; văn nghệ sỹ thuộc hạng IV là những người có mức phụ cấp mức lương từ 1,86 và tuổi còn trẻ, mới vào nghề. Qua khảo sát của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số này có khoảng 2.000 người và nhìn chung đời sống khó khăn.

[3.570 người đã nhận được tiền hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp]

Khi đưa ra, Chính phủ đã thảo luận và đồng ý chính sách này vì thấy phù hợp bởi ba lẽ: đời sống khó khăn, mức lương rất thấp; phải giãn cách hoặc dừng hoạt động 15 ngày trở lên trong suốt thời gian vừa qua; gặp khó khăn trong do dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện có một địa phương khi xét 33 trường hợp trong đó có 3 trường hợp đúng đối tượng nhưng cuộc sống khá giả.

“Thực sự các em có tài năng và đang là những người được dư luận xã hội quan tâm. Do đó, trong quá trình rà soát đã bỏ rơi yếu tố thứ ba là có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, dư luận không đồng tình. Cho đến nay, 2.000 trường hợp này, chúng ta đã hỗ trợ 1.590 trường hợp. Rất nhiều trường hợp chúng tôi đã đi kiểm tra và thấy rằng rất khó khăn,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn.

“Đến giờ này chúng tôi khẳng định một lần nữa là chính sách là đúng. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện có thể ban điều này, điều kia. Chúng tôi cũng như các cơ sở thấy cần chú ý rút kinh nghiệm hơn,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Trước chất vấn của đại biểu Quốc hội về thông tin “phát nhầm, nhận nhầm” của 22.000 trường hợp theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho những người gặp khó khăn do đại dịch tại một tỉnh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết “không phải là phát nhầm và nhận nhầm 22.000 trường hợp.”

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sau khi có thông tin dư luận báo chí phản ánh, Bộ trưởng đã trực tiếp điện cho Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh báo cáo đầy đủ nội dung sự việc này bằng văn bản. Đồng thời, Bộ cử một Thứ trưởng cùng với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công đoàn cùng một số đoàn công tác “đi vào kiểm tra chặt chẽ tình hình, gặp những người trực tiếp phát và những người nhận nhầm.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Khẳng định thực chất con số nhận nhầm tiền hỗ trợ “chỉ khoảng 1.490 trường hợp” nhưng “tại sao lại có con số 22.00,” Bộ trưởng Đào Ngọc giải thích: đây là một chính sách của tỉnh Bình Dương nhằm hỗ trợ thêm cho người lao động và người ở các khu nhà trọ để giảm giá nhà trọ trong lúc khó khăn do đại dịch COVID-19 với mức 800.000 đồng/người.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, quá trình thực hiện kê khai theo chính sách này đã xảy ra nhầm lẫn do “đang ngồi trong nhà kê khai, người khác cũng đến kê khai” dần dần dẫn đến “vọt lên những con số quá lớn.”

Tỉnh Bình Dương đã nhận thấy sự bất thường này và tiến hành rà soát lại bằng máy, đồng thời đề nghị Bộ Công an và Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát lại trên cơ sở dữ liệu thấy trùng về tên, tuổi. Tiến hành rà soát lại, phát hiện ra 1.990 người đã phát với số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng. Sau đó, tỉnh Bình Dương tiến hành rà soát lại, số lượng nhầm vẫn là 1.990 người và phần đông những người nhận nhầm chính sách này đã tự hoàn trả lại.

“Đến nay công việc này đã giải quyết xong và 1,6 tỷ đã được thu hồi đầy đủ,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục