Đa số người Đức phản đối trao giải Nobel Hòa bình cho bà Merkel

Chính sách giải quyết người tị nạn của bà Merkel đáng được hoan nghênh và trao giải Nobel Hòa bình, nhưng đa số dân nước này lại có ý kiến ngược lại.
Đa số người Đức phản đối trao giải Nobel Hòa bình cho bà Merkel ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu trong cuộc thảo luận về khủng hoảng người di cư tại Quốc hội Đức ở Berlin ngày 24/9 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính sách giải quyết khủng hoảng người tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel đáng được hoan nghênh, thậm chí nhiều ý kiến còn ủng hộ trao giải Nobel Hòa bình cho nhà lãnh đạo Đức. Tuy nhiên, đa số người dân nước này lại có ý kiến ngược lại.

Kể từ sau khi cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl được coi là ứng cử viên sáng giá nhận giải Nobel Hòa bình vì những đóng góp của ông cho việc tái thống nhất nước Đức, người Đức tiếp theo được đánh giá có nhiều triển vọng nhận giải thưởng này là bà Merkel vì chính sách xử lý khủng hoảng người tị nạn hiện nay.

Tuy nhiên, theo kết quả cuộc thăm dò dư luận do Viện Emnid phối hợp với hãng tin N24 (Đức) thực hiện, chỉ có 19% số người Đức được hỏi cho rằng nữ Chủ tịch Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) xứng đáng với giải thưởng Nobel Hòa bình, trong khi 73% có ý kiến ngược lại.

Đa số người Đức đặc biệt quan ngại về những hậu quả do chính sách hoan nghênh người tị nạn của bà Merkel có thể gây ra cho nước Đức, như tình trạng thiếu nơi ăn chốn ở (67%), các vấn đề liên quan tới trường học (63%), tội phạm gia tăng (61%), chi phí giải quyết khủng hoảng (55%). Điều dư luận Đức ít quan ngại nhất (22%) là sự cạnh tranh việc làm với người tị nạn, điều có thể dẫn tới nguy cơ mất việc của họ.

Theo nhà xuất bản Ladbrokes của Anh, nữ Thủ tướng Merkel đứng đầu danh sách nhận giải Nobel Hòa bình trong năm nay, xếp trên bác sỹ người Congo, ông Denis Mukwege hay vị linh mục Mussie Zerai người Eritrea chuyên cứu giúp người khốn khó trên biển Địa Trung Hải.

Theo ông Kristian Berg Harpviken, Giám đốc Viện Nghiên cứu Hoà bình Quốc tế Oslo của Na Uy, cuộc khủng hoảng người tị nạn sẽ là chủ đề mang tính quyết định trong năm nay và Thủ tướng Merkel là ứng cử viên nổi trội nhất cho giải thưởng Nobel Hòa bình.

Theo ông, bà Merkel là "chuyên gia giải quyết khủng hoảng," thể hiện cả trong cuộc xung đột Ukraine.

Ông nói: "Tình thế mà tất cả chúng ta ở châu Âu còn lúng túng, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau mà không ai muốn đụng chạm tới những vấn đề thực sự, bà Merkel chính là người đứng ra làm việc đó"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục