Bất chấp thái độ hoài nghi của không ít các nghị sỹ Quốc hội và sự phản đối của đồng minh Israel, đa số người dân Mỹ vẫn ủng hộ thỏa thuận tạm thời vừa ký kết giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) tại Geneva (Thụy Sỹ) về chương trình hạt nhân gây tranh cãi hơn một thập kỷ qua của Tehran.
Kết quả thăm dò chung của Reuters/Ipsos công bố tối 26/11 cho biết trong số 591 người Mỹ được hỏi ý kiến có 44% ủng hộ thỏa thuận tạm thời ký hồi tuần trước giữa Iran với nhóm P5+1, trong khi tỷ lệ phản đối chỉ là 22%.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy có 49% số người được hỏi cho rằng Washington nên tăng cường siết chặt cấm vận, bao vây phong tỏa Tehran và 30% muốn tiếp tục tìm kiếm giải pháp ngoại giao nếu nước Cộng hòa Hồi giáo không thực hiện các cam kết trong hiệp định.
Trong khi đó, chỉ 20% số người được hỏi ủng hộ một hành động quân sự nếu các bên thất bại trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân bằng con đường ngoại giao.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia điều tra Julia Clark của Ipsos cho rằng kết quả điều tra trên cho thấy mặc dù còn nghi ngờ về thái độ nghiêm túc của Iran song đa phần người dân Mỹ ngả theo hướng tìm kiếm một giải pháp ngoại giao thay vì phát động cuộc chiến tranh mới chống Iran.
Bằng chứng của việc người dân Mỹ vẫn còn nghi ngờ Iran là có tới 63% cho rằng mục đích của chương trình hạt nhân là nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân.
Trước đó, ngày 24/11, Iran và nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận bước đầu về chương trình hạt nhân, theo đó Iran sẽ ngừng làm giàu urani trên mức 5% trong sáu tháng để đổi lại được Washington nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Phát biểu về thỏa thuận mang tính bước ngoặt này, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định chính sách kết hợp ngoại giao và trừng phạt của Washington đã phát huy tác dụng, khiến lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, cộng đồng quốc tế đã có thể "giữ chân" Iran trong việc đẩy mạnh chương trình hạt nhân gây tranh cãi.
Nhà lãnh đạo Mỹ cũng kêu gọi các nước duy trì nỗ lực ngoại giao và tiếp tục theo đuổi giải pháp hòa bình cho vấn đề mang tính quốc tế này trong bối cảnh tình hình vẫn còn nhiều thách thức./.