Đa số đại biểu Quốc hội tán thành cơ chế đặc thù cho TP.Hồ Chí Minh

Nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh đến sự cần thiết khi ban hành chính sách đặc thù cho địa phương đầu tầu như Thành phố Hồ Chí Minh, tạo động lực cho thành phố phát triển.
Đa số đại biểu Quốc hội tán thành cơ chế đặc thù cho TP.Hồ Chí Minh ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Cơ chế đặc thù là chính sách cần thiết được đa số các đại biểu Quốc hội tán thành trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng 20/11.

  

[Đề xuất cơ chế chính sách đặc thù với TP.HCM]

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của Nghị quyết này, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, không thể để cơ chế làm cản trở bước phát triển của thành phố và đây là thời điểm "chín nẫu" để thông qua nghị quyết về cơ chế đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh.

Tạo cơ chế để bứt phá

Theo đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên), là đô thị đặc biệt và trung tâm kinh tế của cả nước, trong nhiều năm qua, đóng góp ngân sách của Thành phố Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu cả nước.

Tuy vậy, áp lực về dân số, hạ tầng giao thông xuống cấp cùng với tình trạng úng ngập... đang là những điểm nghẽn kéo giảm đà phát triển của địa phương, do vậy cần phải có cơ chế đặc thù của đặc thù, tạo động lực cho thành phố phát triển.

"Việc trao cơ chế đặc thù cho thành phố không chỉ tạo động lực cho thành phố phát triển mà còn là giao trách nhiệm để thí điểm nhân rộng," đại biểu Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết khi ban hành chính sách đặc thù cho các địa phương đầu tầu. Nhấn mạnh ý kiến này, đại biểu Phong cho rằng, với cơ chế đặc thù, Thành phố Hồ Chí Minh có thể sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách cả nước trong giai đoạn tới.

Hơn thế nữa, khi trao cơ chế đặc thù, các cơ quan chức năng sẽ có những kinh nghiệm quý giá nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách, giúp cho phát triển một cách hài hòa, qua đó có thể nhân rộng tại các địa phương khác.

"Đáng lý cơ chế này phải có từ lâu để giải quyết những khó khăn của thành phố và những cơ chế này chính là minh chứng cho những địa phương mũi nhọn," đại biểu Đặng Thuần Phong nói.

Theo báo cáo tại Quốc hội, năng suất lao động của Thành phố Hồ Chí Minh đang dẫn đầu cả nước. Đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) cho rằng, cơ chế đặc thù sẽ giúp thành phố Hồ Chí Minh có thể giải quyết được nhiều tồn tại như thu hút nguồn nhân lực cao, phát huy động lực của doanh nghiệp lớn nhất đóng trên địa bàn mà còn thu hút được đầu tư và xuất khẩu.

Đa số đại biểu Quốc hội tán thành cơ chế đặc thù cho TP.Hồ Chí Minh ảnh 2Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, đoàn Hậu Giang. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tính toán kỹ về mức điều chỉnh phí và lệ phí

Nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành cơ chế đặc thù cho thành phố, đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) kiến nghị Chính phủ cần sớm họp để rà soát những khó khăn, bất cập về cơ chế chính sách đối với sự phát triển của thành phố.

Tuy vậy, đại biểu của Ninh Thuận băn khoăn một số vấn đề ​nhất là việc trao quyền cho Hội đồng nhân dân thành phố ​trong việc ​điều chỉnh mức thu phí, lệ phí.

Đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương cho rằng, việc trao quyền cần đảm bảo không trái Hiến pháp và quy định của pháp luật liên quan, đặc biệt cần cân nhắc để tránh vấn đề phí và lệ phí tại thành phố có thể quá cao, tác động đến người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, đoàn đại biểu Quốc hội Hầu Giang lạ băn khoăn về chính sách thu hút nguồn nhân lực khi có cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, một mặt chính sách sẽ tạo ra động lực to lớn cho thành phố để thu hút nhân tài, nhưng mặt khác, chính sách này có thể tạo ra sự không công bằng đối với một số tỉnh, thành khác khi không được hưởng cơ chế chính sách này.

​Cụ thể, với cơ chế trên, nguồn nhân lực chất lượng cao ở các tỉnh, thành sẽ dồn hết về thành phố sẽ bất cập cho một số địa phương.

Do vậy, dù ủng hộ về cơ chế đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng theo đại biểu Nguyễn Thanh Thủy, trong Nghị quyết cần có quy định trần về chính sách thu hút nguồn nhân lực.

"Việc thí điểm nên thực hiện bước đầu tại thành phố Hồ Chí Minh và sau 3 năm có sơ kết, tổng kết và từ đó mới có thể nhân rộng," đại biểu Nguyễn Thanh Thủy ​nêu ý kiến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục