Đá phạt penalty: Khoảnh khắc trở thành người hùng hoặc tội đồ

Cú đá phạt với khoảng cách 11m tưởng như dễ dàng với các cầu thủ nhưng thực tế nó lại là sức ép khủng khiếp giữa khoảnh khắc trở thành người hùng hoặc tội đồ.

Khi World Cup 2014 đã bước sang vòng đấu loại trực tiếp, thời điểm có thể phải sử dụng những quả đá phạt penalty để quyết định thắng thua, các nhà tâm lý học lại bắt tay vào công việc của mình.

Cú đá phạt với khoảng cách 11m, không có hậu vệ đứng chắn và thủ môn không được di chuyển quá xa vạch vôi khi cầu thủ chưa chạm bóng, điều này tưởng như dễ dàng với các cầu thủ nhưng thực tế nó lại là sức ép khủng khiếp giữa khoảnh khắc trở thành người hùng dân tộc hoặc biến thành chủ đề bàn tán cho người hâm mộ và giới truyền thông.

Giáo sư Geir Jordet làm công tác tâm lý học thể thao ở Trường Khoa học Thể thao Na Uy cho biết các cầu thủ có thể đánh mất cả sự nghiệp lẫy lừng chỉ vì một quả đá luân lưu. Ông Jordet cũng đã gặp gỡ các ngôi sao bóng đá để hướng dẫn họ làm cách nào vượt qua được thử thách khi đứng trước khung thành. "Một cầu thủ nói với tôi rằng anh ta ở vòng tròn giữa sân, đợi đến lượt mình bước tới chấm 11m. Tất cả những gì anh ta có thể nghĩ là liệu những hình ảnh đầu gối của mình đang run lên có được ghi lại trên truyền hình trực tiếp hay không."

Lịch sử bóng đá thế giới cho thấy đội tuyển thực hiện những lượt đá luân lưu tốt nhất là đội tuyển Đức với việc họ đã giành chiến thắng cả bốn lần phải giải quyết thắng thua trên chấm 11m tại các vòng chung kết World Cup. Trong khi trái ngược với đội tuyển Đức là đội tuyển Anh. "Tam Sư" đã để thua trong cả ba lần bước lên chấm 11m.

Theo thống kê tổng hợp từ các đội bóng hàng đầu châu Âu, hơn 2/3 số quả đá penalty đem đến bàn thắng kể từ khi lần đầu tiên được áp dụng cách đây gần 123 năm. Nhưng nếu những con số thống kê đứng về phía các cầu thủ sút bóng thì tâm lý lại đứng về phía các thủ môn. Nếu như thủ môn bắt hỏng một quả penalty, họ sẽ nhận được sự an ủi. Nếu thành công, anh ta sẽ trở thành người hùng. Theo giáo sư Jordet, "các tiền đạo lại luôn được kỳ vọng phải ghi bàn và nếu như không thành công, họ sẽ trở thành tội đồ."

Tất cả những cú sút mạnh sẽ đem đến độ chính xác thấp hơn, điều này lý giải cho nguyên nhân việc thực hiện cú sút mạnh trước khung thành thường không đem lại bàn thắng, trong khi nếu dứt điểm quá chậm, thủ môn sẽ dễ dàng cản phá.

Giáo sư Jordet nói rằng nhóm của ông đã nghiên cứu băng hình ghi lại tất cả những quả đá penalty tại các kỳ World Cup, Champions League, Europa League cũng như phỏng vấn hàng chục cầu thủ về cách mà họ sẽ đá penalty.

Thủ môn thường sử dụng cách nhìn vào mắt đối phương để làm sao nhãng cầu thủ sút bóng. Thủ môn huyền thoại của câu lạc bộ Liverpool Bruce Grobbelaar nổi tiếng những năm 1980 với biệt danh "đôi chân mỳ ống" khi ông thường chuyển động lắc lư trước khi bắt mỗi quả đá penalty. Thủ môn Jerzy Dudek sau này đã lấy niềm cảm hứng từ Grobbelaar để đưa Liverpool đánh bại AC Milan trong trận chung kết trên chấm penalty ở Champions League năm 2005.

Trên phương diện cầu thủ sút bóng, cũng có những cách khác nhau để giúp cho cầu thủ giữ vững tâm lý. Người thực hiện quả đá penalty cần được hỗ trợ về mặt tâm lý bởi các đồng đội và cả huấn luyện viên. Và điều quan trọng là luyện tập đi luyện tập lại trong một thời gian dài. Bằng cách luyện tập qua thời gian, cầu thủ sẽ giảm được áp lực khi đứng trước khung thành và thực hiện chính xác cú sút của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục