Diễn biến dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang có nhiều phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại trong nước và quốc tế. Theo đó, việc thực hiện dự toán và quản lý, điều hành thu-chi ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ Tài chính, việc cân đối ngân sách trung ương và các cấp địa phương khó khăn trong điều kiện ngân sách Nhà nước giảm thu là cần thiết. Tính đến tháng Tám, Bộ đã thực hiện phát hành 177.650 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (theo kế hoạch năm 2020 để chi trả nợ gốc đến hạn và để nhận nợ với Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo Nghị quyết của Quốc hội là 9.090 tỷ đồng) với kỳ hạn bình quân 13,25 năm, lãi suất bình quân 2,95 %/năm.
Về thu ngân sách Nhà nước, tổng thu cân đối thực hiện tháng 8 đạt 92.900 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng đạt 881.900 tỷ đồng và bằng 58,3% dự toán. Như vậy, tổng thu ngân sách Nhà nước 8 tháng giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó thu ngân sách trung ương ước đạt 54,9% dự toán, thu ngân sách địa phương ước đạt 62,7% dự toán).
Cụ thể, thu nội địa trong 8 tháng ước đạt 733.980 tỷ đồng, bằng 58,1% dự toán và thu từ dầu thô đạt 25.480 tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, giảm tương ứng 9,7% và 35,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 121.500 tỷ đồng, bằng 58,4% dự toán, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm 2019. Lý giải về sự sụt giảm thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu do hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại quốc tế, khiến tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng ước đạt 337,28 tỷ USD, xấp xỉ mức thực hiện cùng kỳ năm 2019.
Về chi ngân sách Nhà nước, tổng chi trong tháng Tám ước đạt 119.500 tỷ đồng, luỹ kế 8 tháng đạt 975.600 tỷ đồng, bằng 55,8% dự toán, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công, chi đầu tư phát triển đạt gần 221.800 tỷ đồng, bằng 47,08% dự toán. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, mức giảm ngân thực tế so với yêu cầu ở mức thấp. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng có tỷ lệ giải ngân vốn thấp, cụ thể chi trả nợ lãi đạt 74.390 tỷ đồng, bằng 62,9% dự toán, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, chi thường xuyên đạt 673.300 tỷ đồng, bằng 63,7% dự toán, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Thêm vào đó, ngân sách Nhà nước đã chi khoảng 16.290 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Ngoài ra, quỹ dự trữ quốc gia đã xuất cấp khoảng 13.600 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.
Báo cáo này cũng cho biết để thực hiện nghị quyết của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện cắt giảm dự toán chi cho hội nghị, công tác phí và tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại trong những tháng cuối năm 2020, hiện tổng kinh phí đã báo cáo về Bộ Tài chính đến thời điểm này khoảng 6.400 tỷ đồng./.