Ngày 30/12, Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng năm 2022.
Xét trên phạm vi cả nước năm 2022, thành phố Đà Nẵng xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tốc độ phát triển kinh tế; xếp thứ 17/63 về quy mô nền kinh tế. So với 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Đà Nẵng dẫn đầu cả về tốc độ phát triển và quy mô nền kinh tế trong vùng.
Theo Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng Trần Văn Vũ, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân toàn thành phố Đà Nẵng đã chung sức, đồng lòng, đạt nhiều thành quả tích cực trong năm 2022.
Tình hình kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng khởi sắc trên nhiều lĩnh vực; một số lĩnh vực kinh tế mũi nhọn phục hồi nhanh và có mức tăng bứt phá; nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; các chính sách an sinh xã hội được duy trì và thực hiện hiệu quả.
[Đà Nẵng: Sản xuất công nghiệp trong 11 tháng năm 2022 tăng 8,6%]
Cụ thể, quỹ đạo phục hồi kinh tế của thành phố Đà Nẵng năm 2022 đã chuyển biến khá tích cực: tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 ước tăng 14,05% so với năm 2021 và tăng 6,34% so với năm 2019 (trước dịch COVID-19).
Khu vực dịch vụ đóng vai trò trụ đỡ chính cho tăng trưởng với mức tăng cả năm ước đạt 17,85%, đóng góp 13,31 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm (VA); khu vực công nghiệp và xây dựng ước tăng 6,39%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,39%; riêng thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,68% so với năm 2021.
Quy mô nền kinh tế toàn thành phố theo giá hiện hành năm 2022 ước đạt 125.219 tỷ đồng, mở rộng hơn 17.381 tỷ đồng so với năm 2021. Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế, khu vực dịch vụ chiếm 68,38%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,43%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,95% và thuế sản phẩm chiếm 9,24% trên tổng GRDP.
Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục dịch chuyển với xu hướng mở rộng khu vực dịch vụ thêm 1,62 điểm phần trăm so với năm 2021.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như tăng trưởng kinh tế chưa đồng đều, một số ngành công nghiệp (dệt, chế biến gỗ, sản xuất phương tiện vận tải, sản xuất hóa chất…) đối mặt với khó khăn chưa thể phục hồi.
Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mặc dù được chỉ đạo quyết liệt nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra (đạt 88,2% kế hoạch). Thu hút FDI giảm về số vốn so với cùng kỳ, bằng 46,8% so với năm 2021. Việc triển khai đầu tư xây dựng các Khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới chậm tiến độ, chưa đảm bảo hạ tầng cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất.
Đồng thời, phát triển cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng trước thiên tai còn thấp, có nguy cơ rủi ro trước các loại hình thiên tai nguy hiểm, quy mô lớn.
Trước tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2023 còn nhiều khó khăn, thách thức, ông Trần Văn Vũ đề xuất một số giải pháp phát triển kinh tế-xã hội cho thành phố Đà Nẵng như tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, triển khai mạnh mẽ chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực.
Về dịch vụ, thành phố cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch, hình thành các sản phẩm du lịch mới, khôi phục lại các thị trường quốc tế trọng điểm và truyền thống. Đà Nẵng cũng cần triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ; đẩy mạnh thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, hạ tầng chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh./.