Trận mưa lịch sử ngày 14/10 vừa qua ở Đà Nẵng đã gây thiệt hại rất lớn về cơ sở vật chất.
Đặc biệt, tại Nghĩa trang Hòa Sơn ở huyện Hòa Vang hàng trăm ngôi mộ bị vùi lấp bởi đất đá. Một trong những nguyên nhân được xác định, là do xung quanh nghĩa trang đều trồng cây keo, có nhiều đường mòn vào rừng khai thác. Điều này, đã đặt ra nghi vấn về khả năng giữ đất, chống xói mòn của cây keo, khi chỉ được trồng để khai thác trong thời gian ngắn.
Ngày 17/10, kiểm tra tình hình sạt lở ở khu vực nghĩa trang Hòa Sơn, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhận định nguyên nhân sạt lở vùi lấp hàng trăm ngôi mộ, một phần là do các rừng keo xung quanh nghĩa trang, người dân phát quang tạo những con đường mòn để đi lại, khai thác. Khi lượng mưa lớn, nước từ trên đỉnh núi dồn tập trung về các đường mòn này tạo nên dòng chảy xiết gây sạt lở đất đá.
Ông Nguyễn Văn Quảng đề nghị địa phương và cơ quan chức năng phải đánh giá nguy cơ, xem xét việc chuyển đổi việc trồng cây keo sang trồng rừng phòng hộ; tránh để tình trạng sạt lở tại khu vực này tái diễn.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng, hiện thành phố có 17.895,07ha diện tích trồng keo. Riêng diện tích rừng trồng keo tại gần điểm sạt lở Nghĩa trang Hòa Sơn có khoảng 100ha.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn cho hay hiện nay xung quanh Nghĩa trang Hòa Sơn, đất lâm nghiệp được quy hoạch là rừng sản xuất.
[Sạt lở nghiêm trọng vào nhà dân và đường lên Bán đảo Sơn Trà]
Về việc chuyển đổi trồng keo sang trồng rừng gỗ lớn, cây bản địa, Ủy ban Nhân dân huyện sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố để rà soát, nghiên cứu đề xuất xây dựng phương án trồng rừng bền vững góp phần chống xói mòn tại khu vực Nghĩa trang Hòa Sơn. Huyện Hòa Vang cũng đang thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng.
Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân huyện sẽ có ý kiến, đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng xem xét điều chỉnh quy hoạch xung quanh khu vực nghĩa trang thành rừng phòng hộ; từ đó, sẽ thay thế rừng trồng keo thành rừng trồng các loại cây bản địa, cây lâu năm, góp phần giảm sạt lở, xói mòn.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN, ngoài Nghĩa trang Hòa Sơn, các rừng Hải Vân, Sơn Trà, tại những địa điểm trồng nhiều cây keo cũng đều xảy ra sạt lở.
Ông Phan Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thành phố Đà Nẵng cho rằng người dân sẽ khai thác rừng keo sau 4 đến 5 năm; cho nên việc giữ đất, chống xói mòn của rừng keo rất kém.
Cũng theo ông Phan Thế Dũng, Chi cục Kiểm lâm thành phố sẽ rà soát, có phương án đề xuất việc chuyển đổi cây trồng sản xuất sang cây bản địa với thành phần hỗn giao tạo ra nhiều tán rừng, góp phần chống sạt lở.
Để thực hiện mục tiêu này, Đà Nẵng cần sớm hoàn thành rà soát, quy hoạch 3 loại rừng, qua đó thu hồi một số diện tích trồng keo để hình thành rừng phòng hộ tại các vị trí có nguy cơ sạt lở, đất đá cao do mưa lũ./.