Đà Nẵng xác định 5 nội dung cơ bản thực hiện tái cơ cấu kinh tế

Từ nay đến năm 2020, Đà Nẵng tập trung thực hiện tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu doanh nghiệp, cơ cấu ngành, nguồn nhân lực và cơ cấu thị trường.
Đà Nẵng xác định 5 nội dung cơ bản thực hiện tái cơ cấu kinh tế ảnh 1Bốc xếp hàng hóa tại Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Từ nay đến năm 2020, thành phố Đà Nẵng sẽ thực hiện tái cơ cấu kinh tế theo 5 nội dung cơ bản gồm tái cơ cấu đầu tư; tái cơ cấu doanh nghiệp; tái cơ cấu ngành; tái cơ cấu nguồn nhân lực và tái cơ cấu thị trường.

Tại hội thảo "Tái cơ cấu kinh tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2020" tổ chức ngày 13/6, ông Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng nhận định qua phân tích bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, Đà Nẵng xác định các nội dung cơ bản để thực hiện tái cơ cấu kinh tế thành phố đến năm 2020 gồm tái cơ cấu đầu tư và trọng tâm là đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp; tái cơ cấu ngành; tái cơ cấu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của thành phố và tái cơ cấu thị trường.

Ở lĩnh vực tái cơ cấu đầu tư, thành phố đa dạng hóa kênh huy động vốn, giảm bớt gánh nặng đầu tư từ ngân sách thành phố, phát huy tối đa nguồn lực trong nước, tranh thủ các nguồn vốn bên ngoài, phục vụ tăng trưởng kinh tế và nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư.

Đà Nẵng thực hiện từng bước giảm tỷ trọng đầu tư công hợp lý đạt khoảng 25% vào năm 2015 và 20% vào năm 2020, đi đôi với mở rộng phạm vi xã hội hóa, thực hiện đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Đối với tái cơ cấu doanh nghiệp, thành phố Đà Nẵng xác định phát triển kinh tế dân doanh là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố, từ đó có cơ chế, chính sách khuyến khích đẩy mạnh tái cơ cấu chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ và phát triển 1-2 tập đoàn kinh tế tư nhân có tiềm lực mạnh, có khả nhăng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Về tái cơ cấu ngành, thành phố cũng tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ-công nghiệp-xây dựng-nông nghiệp đi đôi với đẩy mạnh tái cơ cấu trong nội bộ các ngành. Mục tiêu đến năm 2015, cơ cấu kinh tế thành phố là dịch vụ đạt 54,2%, công nghiệp-xây dựng đạt 43,8%, nông nghiệp đạt 2% và năm 2020 tương ứng là 55,5%, 42,8%, 1,6%.

Đố với tái cơ cấu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, thành phố ưu tiên phát triển, tăng đội ngũ nhân lực chất lượng cao cho các ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng, bao gồm công nghiệp, du lịch, thương mại, y tế, giáo dục-đào tạo, môi trường và nguồn nhân lực các lĩnh vực công nghệ cao.

Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2020, có 70% lực lượng lao động là lao động qua đào tạo (21% có trình độ đại học-cao đẳng, trong đó 2% có trình độ thạc sỹ trở lên; 16% trung cấp chuyên nghiệp và 33% công nhân kỹ thuật)

Về tái cơ cấu thị trường, thành phố sẽ điều chỉnh cơ cấu giá giữa thị trường trong nước và ngoài nước, chiến lược thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế.

Để quá trình tái cơ cấu kinh tế phát huy hiệu quả, các đại biểu tham gia hội thảo cho rằng, Đà Nẵng cần xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để phát huy vai trò đòn bẩy của khoa học và công nghệ trong quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; ưu tiên phân bổ nguồn lực cho phát triển khoa học và công nghệ; chú trọng nghiên cứu, phát triển công nghệ nền, công nghệ sản phẩm, công nghệ cao và nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của thành phố thông qua đầu tư nguồn lực cho các Trung tâm công nghệ cao.

Thành phố cũng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn thành phố liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín trong và ngoài nước, ưu tiên hình thức liên kết đào tạo với các nước tiên tiến có thời gian tu nghiệp ở nước ngoài nhằm tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao cung cấp cho các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế trên địa bàn thành phố và các địa phương khác.

Từ khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, thành phố Đà Nẵng luôn duy trì được nhịp độ phát triển kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các ngành sản xuất và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao; thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế thành phố phát triển chưa thực sự vững chắc, quy mô nhỏ, chất lượng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của thành phố; vai trò trung tâm, sức lan toả với các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên còn hạn chế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục