Chiều 30/11, tại thành phố Đà Nẵng, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã có buổi làm việc để đánh giá kết quả sau hai năm thực hiện Thông báo kết luận số 385-TB/TU ngày 30/5/2018 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về một số kết quả bước đầu đạt được trong công tác liên kết, hợp tác, hỗ trợ phát triển kinh tế, du lịch, xúc tiến đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng, quản lý và khai thác tài nguyên, khoáng sản, phát triển giáo dục, y tế, đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh giữa hai địa phương.
Sau khi rà soát, đánh giá lại những kết quả đã đạt được, hai bên tiếp tục thống nhất phối hợp tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai nhiều dự án lớn trong đó có Dự án đầu tư xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng và Dự án Nạo vét khơi thông sông Cổ Cò.
Dự án đầu tư xây dựng Làng Đại học Đà Nẵng tại phường Hòa Quý (thành phố Đà Nẵng) và phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đã được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt quy hoạch với quy mô dự án là 300ha, gồm 110ha thuộc thành phố Đà Nẵng và 190ha thuộc tỉnh Quảng Nam.
Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí 1.000 tỷ đồng để triển khai thực hiện. Hiện nay, dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng 38,95ha phần đất quy hoạch tại thành phố Đà Nẵng và đang tiếp tục giải phóng phần diện tích còn lại.
Về phần diện tích đất tại Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đang chỉ đạo triển khai và xây dựng khu tái định cư đủ đáp ứng nhu cầu tái định cư cho toàn bộ diện tích quy hoạch cần giải tỏa.
Tuy nhiên, dự án chậm triển khai do nhu cầu kinh phí lớn, vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng với diện tích, quy mô và số hộ dân bị ảnh hưởng tương đối lớn.
Dự án Nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò từ thành phố Đà Nẵng đến thành phố Hội An (Quảng Nam) có chiều dài 28km, gồm nạo vét lòng sông, trên tuyến sông xây dựng 15 cầu và quy hoạch kiến trúc cảnh quan dọc hai bên bờ sông. Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đã bố trí 178,7 tỷ đồng để nạo vét đoạn sông qua Đà Nẵng dài 8,3km và xây dựng 3 cầu.
Đoạn sông qua tỉnh Quảng Nam dài 19,7km, xây dựng 12 cây cầu với tổng mức đầu tư hơn 1.230 tỷ đồng được chia làm 2 đoạn từ Km0 đến Km14+00 và Km14 đến Km19+500 đã được triển khai lập quy hoạch kiến trúc cảnh quan dọc hai bên bờ sông phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông, du lịch và quy hoạch chung của 2 địa phương.
Trên toàn tuyến sông Cổ Cò còn tồn tại ba đập ngăn mặn chưa được phá dỡ do chưa giải quyết được quá trình xâm nhập mặn vào Nhà máy nước Cầu Đỏ (thành phố Đà Nẵng) và ảnh hưởng 227ha đất sản xuất nông nghiệp tại phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam).
Hai địa phương cùng thống nhất kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương bổ sung nguồn vốn trung hạn triển khai Dự án Làng Đại học Đà Nẵng; tiếp tục phối hợp thực hiện Dự án Nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò để phát triển du lịch, văn hóa xã hội và đô thị; phối hợp giải quyết vấn đề nhiễm mặn nước sông Cầu Đỏ ở Đà Nẵng khi tháo dỡ đập Hà My trên sông Cổ Cò ở Quảng Nam; tiếp tục phối hợp kiểm tra, giám sát việc vận hành của các nhà máy thủy điện trên thượng nguồn lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn để đảm bảo việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực hiệu quả, tổng hợp đa mục tiêu…
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đề nghị ngoài nội dung phối hợp phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, hai địa phương cần đẩy mạnh hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, nhất là trong việc quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết và các văn bản mới của Trung ương, nhằm góp phần xây dựng hệ thống chính trị hai địa phương ngày càng trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Hai bên cần tăng cường trao đổi kinh nghiệm trong đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao sức chiến đấu của các cấp ủy đảng; xây dựng chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong sạch, vững mạnh; công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ; chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý, vận hành hệ thống và xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh; tăng cường hợp tác, trao đổi trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Tại buổi làm việc, hai địa phương cũng thống nhất nhiều nội dung quan trọng như: Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hỗ trợ, vận động doanh nghiệp mở rộng hợp tác kinh doanh thông qua khu vực cửa khẩu Nam Giang; hợp tác, kết nối cung cầu phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, xúc tiến quảng bá du lịch, sản phẩm du lịch; xúc tiến thu hút đầu tư; kết nối hệ thống giao thông giữa hai địa phương; hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, tài liệu, nền tảng xây dựng thành phố thông minh…
Hai địa phương phối hợp nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển kinh tế đêm, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt nhằm phát triển du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; phối hợp nghiên cứu xúc tiến với Tập đoàn công nghiệp - Viễn thông Quân đội để thí điểm lắp đặt phát sóng mạng 5G của Viettel tại ba tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam.
Tỉnh Quảng Nam cũng đề xuất Đà Nẵng hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cầu Quảng Đà bắc qua sông Yên nối xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng với xã Điện Tiến, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam để kết nối tuyến đường vành đai phía Bắc Quảng Nam và phía Nam của thành phố Đà Nẵng, nhằm đảm bảo phân luồng giao thông phù hợp; chuyển giao kinh nghiệm của thành phố Đà Nẵng về phát triển công nghệ thông tin-truyền thông đối với phần mềm quản lý nhà nước; hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm cho tỉnh Quảng Nam trong công tác phát triển đô thị và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ chuyển đổi Đại học Quảng Nam thành phân hiệu Đại học Đà Nẵng.
Tỉnh Quảng Nam đề xuất Đà Nẵng hỗ trợ Bảo tàng Quảng Nam sưu tầm, phục dựng một số tư liệu, hiện vật liên quan hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng; chia sẻ một phần các di vật liên quan văn hóa Chămpa hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Chăm Đà Nẵng cho Quảng Nam lưu giữ.
Tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị thành phố Đà Nẵng hỗ trợ xây dựng, phục dựng một số hạng mục liên quan thuộc di tích lịch sử Làng Đào (xã Sông Kon, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), nơi cơ quan Tỉnh ủy Quảng Đà làm việc trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước; phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu tính khả thi của Dự án đường sắt du lịch Đà Nẵng-Hội An, nghiên cứu tiếp thu các ý kiến của tỉnh Quảng Nam để chỉnh sửa báo cáo, đề xuất đầu tư sớm triển khai thực hiện các bước tiếp theo hoặc nghiên cứu điều chỉnh thành tuyến buýt chạy bằng điện từ để thay thế; tiếp tục hỗ trợ tỉnh Quảng Nam trong việc xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo; hỗ trợ trong công tác đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng./.