Đà Nẵng triển khai dự án tái chế chất thải hữu cơ thành phân bón

Thị trấn Chikujo (Nhật Bản) sẽ hỗ trợ thành phố Đà Nẵng trong việc tái chế chất thải hữu cơ thành phân bón dạng lỏng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch.
Người dân huyện Hòa Vang chăm sóc rau để bán vào dịp Tết. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ngày 20/5, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức hội thảo "Tái chế chất thải hữu cơ thành phân bón dạng lỏng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch tại thành phố Đà Nẵng."

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo, chuyên gia đến từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và thị trấn Chikujo (Nhật Bản).

Hội thảo trong khuôn khổ Dự án "Tái chế chất thải hữu cơ thành phân bón dạng lỏng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch tại thành phố Đà Nẵng" do JICA tài trợ.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, cho biết hiện nay, việc xử lý chất thải sinh hoạt của thành phố chưa bắt kịp với tốc độ phát triển của dân số đô thị. Trung bình mỗi ngày thành phố có gần 90 tấn chất thải được thu gom mỗi ngày từ các hộ dân, văn phòng và các cơ sở công cộng.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp đô thị cũng gặp không ít khó khăn khi nông dân sản xuất lúa theo mùa vụ có thu nhập thấp do phải dành từ 10-20% doanh thu từ việc bán lúa để mua phân hóa học.

Thành phố Đà Nẵng khuyến khích các dự án hợp tác quốc tế nhằm tái chế chất thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ thông qua công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, sau đó sử dụng phân bón này cho sản xuất nông nghiệp. Đây là giải pháp cần thiết và hữu ích không chỉ cho người nông dân mà cho toàn cư dân đô thị, tiến tới xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường.

Ông Hisami Arakawa, Thị trưởng thị trấn Chikujo (Nhật Bản) cho biết, thị trấn Chikujo với ngành chủ lực là sản xuất nông nghiệp, mỗi năm thị trấn sử dụng 9.000 tấn chất thải của con người để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ cho việc sản xuất nông nghiệp.

Từ hiệu quả của việc sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất, thị trấn Chikujo sẽ nỗ lực hỗ trợ, hợp tác với thành phố Đà Nẵng trong việc tái chế chất thải hữu cơ thành phân bón dạng lỏng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch tại thành phố Đà Nẵng; trước mắt là xây dựng nhà máy thử nghiệm sản xuất phân bón dạng lỏng ở quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng).

Dự án "Tái chế chất thải hữu cơ thành phân bón dạng lỏng phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch tại thành phố Đà Nẵng" được triển khai từ tháng 8/2014 với sự tài trợ của JICA, tổng mức đầu tư là 500.000 USD (100% vốn ODA không hoàn lại).

Dự án bao gồm hai hoạt động chính gồm xây dựng cơ sở sản xuất phân bón lỏng tại địa bàn quận Cẩm Lệ; và đào tạo kỹ năng, phổ biến công nghệ vận hành nhà máy để chế tạo phân bón lỏng từ phân người.

Dự án sẽ giúp nông dân trồng lúa trên địa bàn thành phố tiến tới sử dụng phân bón lỏng phục vụ nông nghiệp thay vì sử dụng các loại phân bón hóa học như trước đây nhằm tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, dự án còn giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường do các kênh tưới tiêu đặt bên dưới công trình xử lý chất thải nhà vệ sinh gây ra. Dự án sẽ kéo dài đến năm 2017./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục