Đà Nẵng tổ chức trả hồ sơ và kỷ vật của cán bộ đi B

Ngày 25/4, Đà Nẵng tổ chức Lễ trao trả hồ sơ, kỷ vật của các cán bộ đi B gửi lại trước khi lên đường vào chiến trường miền Nam.
Nhân kỷ niệm 38 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), ngày 25/4, thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ trao trả hồ sơ, kỷ vật cho cán bộ đi B và thân nhân của cán bộ đi B.

Đây là những hồ sơ, hành lý, tài sản cá nhân và những kỷ vật mà trước đây các cán bộ đi B đã gửi lại Ủy ban Thống nhất Chính phủ lưu giữ trước khi lên đường vào chiến trường miền Nam, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng Tổ quốc giao phó.

Những hồ sơ, kỷ vật này được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III và Trung tâm thực hiện việc sao y gửi hồ sơ về cho các cán bộ và thân nhân, bản gốc Trung tâm vẫn đang lưu giữ, là tư liệu lịch sử quý hiếm của quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Văn Hữu Chiến khẳng định rằng những hồ sơ, kỷ vật này có ý nghĩa rất sâu sắc. Đối với những người còn sống thì những hồ sơ này là những kỷ niệm, để các cán bộ sống lại thời kỳ trai trẻ tràn đầy lý tưởng và nhiệt huyết.

Đối với những người đã mất thì người thân cũng biết được quá trình sống, học tập, công tác, phấn đấu, ý chí, công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của ông, bà, cha, mẹ... mình. Qua những hồ sơ, kỷ vật này, nhiều người mới được biết hình ảnh của ông, bà, cha, mẹ mình... Những hồ sơ này có thể đồng thời là cơ sở để giải quyết chế độ, chính sách cho nhiều gia đình theo luật định.

Để có được những hồ sơ, kỷ vật này, Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng đã liên hệ với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tại Hà Nội và đã xác định được 100 hồ sơ cán bộ đi B của thành phố Đà Nẵng.

Từ những thông tin ban đầu này, Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng tiếp tục tìm hiểu danh sách cán bộ đi B của thành phố Đà Nẵng được đăng trên trang Thông tin điện tử của Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước. Qua đó, Sở xác định hơn 1.160 hồ sơ cán bộ đi B có quê quán thuộc thành phố Đà Nẵng ngày nay.

Tuy nhiên trong quá trình lịch sử, tên gọi các đơn vị hành chính trước đây của thành phố Đà Nẵng là thuộc Quảng Nam, Quảng Đà, do vậy hầu hết hồ sơ này được chuyển giao về Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam.

Chính vì vậy, tháng 12/2012, thành phố Đà Nẵng đã nhận được hơn 320 hồ sơ từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III và sau đó tiếp nhận gần 690 hồ sơ từ Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam. Sau khi đối chiếu danh sách, hồ sơ trùng lặp, đến nay, thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận được gần 970 hồ sơ, kỷ vật./.

Văn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục