Đà Nẵng tìm kiếm, cứu hộ các tàu cá bị nạn trong mưa lớn

Hiện các lực lượng biên phòng, cứu hộ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đang phối hợp khẩn trương tìm kiếm tàu cá bị mất liên lạc.
Đà Nẵng tìm kiếm, cứu hộ các tàu cá bị nạn trong mưa lớn ảnh 1Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng phối hợp với lực lượng Biên phòng, Cảng vụ hàng hải khẩn trương hỗ trợ các tàu cá bị nạn. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Sáng 10/10, theo Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng, trên địa bàn thành phố có 4 tàu cá bị nạn sau đợt mưa lớn những ngày qua, gồm có các tàu mang số hiệu ĐNa 91066-TS, ĐNa 30873-TS, ĐNa 07070-TS, ĐNa 90988-TS.

Ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thành phố Đà Nẵng, cho biết do gặp sóng to, gió lớn nên các tàu mang số hiệu ĐNa 91066-TS, ĐNa 30873-TS, ĐNa 07070-TS đã bị chìm trên đường di chuyển về neo đậu tại Âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng). Lực lượng chức năng đã tổ chức cứu hộ thành công 6 ngư dân (mỗi tàu có 2 ngư dân).

Đến 11 giờ ngày 10/10, vẫn còn tàu cá mang số hiệu ĐNa 90988-TS bị mất liên lạc.

Hiện các lực lượng biên phòng, cứu hộ, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đang phối hợp khẩn trương tìm kiếm.

Ngoài 4 tàu cá bị nạn, trước đó có 1 ca nô du lịch (công suất 220CV) của ông Lê Công Định (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cũng bị chìm khi đang neo đậu tại bờ sông Cu Đê.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng, đợt mưa lớn những ngày qua đã gây ngập úng cục bộ ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố, gây thiệt hại không nhỏ.

Về lĩnh vực nông nghiệp, diện tích rau, hoa màu bị ngập úng là 52,9ha; diện tích ao nuôi tôm bị tràn bờ là 8,7ha; diện tích ao nuôi cá bị tràn bờ là 0,05ha; ngoài ra có 2 lồng bè tại khu vực Mân Quang bị đứt neo, trôi mất.

Đến nay, thành phố Đà Nẵng chưa có thiệt hại về người.

Để đảm bảo an toàn cho nhân dân và nhanh chóng khắc phục hậu quả do mưa lũ lớn và vùng áp thấp mới xuất hiện trên Biển Đông, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đề nghị các sở, ngành và địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị, Công điện về phòng, chống thiên tai mà Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành thời gian qua.

Các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện tiếp tục theo chức năng, nhiệm vụ sẵn sàng lực lượng tham gia công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lớn để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra và duy trì liên lạc thường xuyên với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố.

Trong 24 giờ qua tại thành phố Đà Nẵng vẫn tiếp tục có mưa to, mưa rất to, lượng mưa tính từ 1 giờ ngày 9/10 đến 1 giờ ngày 10/10 tại Đà Nẵng giao động trong khoảng 150-350mm.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung Bộ nối với áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên Biển Đông và trường gió Đông trên cao hoạt động mạnh, nên dự kiến tại thành phố Đà Nẵng trong 24 giờ tới sẽ tiếp tục có mưa to, mưa rất to và dông.

Trước đó, ngày 9/10, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục hậu quả mưa, lũ trên địa bàn huyện Hòa Vang; chỉ đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi Đà Nẵng bảo đảm trang phục, dụng cụ bảo hộ cho các nhân viên túc trực, bảo đảm vận hành an toàn và khơi thông thoát lũ tại đập dâng; yêu cầu địa phương tập trung công tác bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đề nghị các sở, ngành khi lũ đang rút tiến hành khảo sát thực tế tình hình ngập lũ khu vực xã Hòa Tiến do ảnh hưởng bởi các công trình giao thông (đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, đường Hòa Phước-Hòa Khương...) và đề xuất giải pháp thoát lũ, khắc phục tình trạng ngập lũ trong khu vực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục