Đà Nẵng thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao

Trong giai đoạn 2012-2015, khu công nghệ cao Đà Nẵng sẽ tập trung thu hút đầu tư nước ngoài từ nhiều nước và vùng lãnh thổ khác.
Khu công nghệ cao Đà Nẵng được thành lập từ tháng 10/2010 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây là Khu công nghệ cao đa chức năng thứ ba của cả nước sau khu công nghệ cao Hòa Lạc-Hà Nội và khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Khu công nghệ cao Đà Nẵng có 7 phân khu chức năng, tổng diện tích 1.120,9ha, nằm trên tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Dung Quất, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 22km, cách Cảng Tiên Sa 25km, cách sân bay quốc tế Đà Nẵng 17km.

Đây chính là những điều kiện khá thuận lợi cho sự phát triển của Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Trước mắt, Khu công nghệ cao này đã thu hút được nhà đầu tư đầu tiên với dự án Tokyo Keiki Precision Technology, vốn đầu tư 40 triệu USD.

Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã xác định 6 nhóm ngành nghề thu hút đầu tư, gồm công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, thủy sản và y tế; công nghệ vi điện tử, cơ điện tử và quang điện tử; công nghệ tự động hóa và cơ khí chính xác; công nghệ vật liệu mới, năng lượng mới; công nghệ thông tin, truyền thông và phần mềm tin học; công nghệ môi trường, công nghệ phục vụ hóa dầu và một số công nghệ đặc biệt khác.

Trong giai đoạn 2012-2015, khu công nghệ tập trung thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước và vùng lãnh thổ Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Hàn Quốc, Mỹ...

Thành phố Đà Nẵng tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu khu công nghệ cao; liên kết, hợp tác với các tổ chức quốc tế để quảng bá, giới thiệu khu công nghệ cao Đà Nẵng. Đồng thời, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, đặc biệt tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao; tổ chức thực hiện và tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao. Theo dõi và nghiên cứu các chính sách của Nhà nước trên nhiều lĩnh vực, học hỏi kinh nghiệm thu hút đầu tư của một số khu công nghệ cao trong khu vực và trên thế giới, từ đó nghiên cứu và đề xuất các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư hấp dẫn hơn, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của khu công nghệ cao Đà Nẵng.

Thành phố cũng đơn giản hóa các thủ tục đầu tư vào khu công nghệ cao; các thủ tục, quy trình đầu tư được sơ đồ hóa rõ ràng, minh bạch với thời gian giải quyết cụ thể, tiến tới việc thực hiện theo tiêu chuẩn ISO, được dịch sang tiếng Anh và các ngôn ngữ khác như tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung. Định kỳ tổ chức thu thập ý kiến của cộng đồng các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài về chủ trương, chính sách thu hút đầu tư, tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức... để có biện pháp điều chỉnh phù hợp nhằm cải thiện môi trường đầu tư và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư.

Đà Nẵng là thành phố nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có vị trí địa lý, kinh tế thuận lợi, đầu mối giao thông cả về đường bộ, đường biển, đường không, đường sắt của Việt Nam, là cửa ngõ ra biển của khu vực Tây Nguyên (qua quốc lộ 14B) và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar qua tuyến Hàng lang Kinh tế Đông-Tây.

Điều này tạo cho Đà Nẵng nhiều ưu thế trong phát triển kinh tế và thu hút đầu tư. Đà Nẵng có 6 khu công nghiệp đi vào hoạt động với tổng diện tích quy hoạch 1.141ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 85,93%; một khu công nghệ cao và khu công nghệ thông tin tập trung, đáp ứng nhu cầu phát triển toàn diện của thành phố hiện tại và tương lai.

Đến cuối năm 2012, thành phố có 15.861 doanh nghiệp, với tổng mức vốn đăng ký kinh doanh đạt 65,6 nghìn tỷ đồng. Đà Nẵng đã thiết lập được quan hệ đối tác với hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhất là các đối tác chiến lược như Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Nhật Bản...

Tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tính đến cuối năm 2012 ở Đà Nẵng là 240 dự án, với tổng vốn đầu tư 3,03 tỷ USD, bình quân 14,16 triệu USD/dự án. Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ chiếm lớn nhất (70,16% tổng vốn đầu tư), tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp (chiếm 29,38%) và nông lâm thủy sản (0,46%).

Ngoài lợi thế về kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, Đà Nẵng còn tạo lợi thế cho các nhà đầu tư. Thành phố đã nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư thông thoáng.

Bên cạnh các ưu đãi nhà đầu tư được hưởng theo quy định Nhà nước, Đà Nẵng còn hỗ trợ nhà đầu tư thông qua việc áp dụng cơ chế một cửa liên thông trong hầu hết các thủ tục hành chính, bàn giao đất sạch cho nhà đầu tư trước ngày khởi công, sự minh bạch cao, mức chi phí đầu tư rất cạnh tranh về giá thuê mặt bằng, cấp phép kinh doanh.

Giá thuê đất tại các khu công nghiệp của thành phố không cao quá 12 triệu đồng/m2, các lệ phí liên quan đến hoạt động xin cấp giấy phép kinh doanh cũng rất "phải chăng."

Vì vậy, Đà Nẵng liên tiếp đứng đầu cả nước ba năm liền (2008-2010) về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nằm trong nhóm rất tốt các năm 2011-2012.

Ngày 6/4, Đà Nẵng sẽ tổ chức khởi công Khu công nghệ thông tin tập trung. Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng được đầu tư theo đúng chuẩn mực của một khu công nghệ cao đạt tiêu chuẩn quốc tế do Tập đoàn Rocky Lai & Asociates (Mỹ) đầu tư với kinh phí dự kiến 52 triệu USD.

Đây là một dự án quan trọng mang tầm chiến lược, đánh dấu giai đoạn chuyển mình, thay đổi về chất của hoạt động công nghiệp công nghệ thông tin- công nghiệp nội dung số của Đà Nẵng, thể hiện rõ quyết tâm xây dựng và phát triển đô thị theo hướng công nghệ xanh- công nghệ cao-thân thiện môi trường./.

Văn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục