Đà Nẵng thành lập tổ giám sát người từ vùng dịch trở về địa phương

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng thực tế vừa qua cho thấy có sự chủ quan của chính quyền địa phương, không có sự quản lý chặt người từ vùng dịch trở về; các địa phương cần rút kinh nghiệm.
Đà Nẵng thành lập tổ giám sát người từ vùng dịch trở về địa phương ảnh 1Người về quê tranh thủ nghỉ chân, ăn đồ ăn miễn phí trước khi tiếp tục lên đường. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Chiều 20/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.

Theo báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 thành phố Đà Nẵng, tính từ 13 giờ ngày 19/10 đến 13 giờ ngày 20/10, Đà Nẵng ghi nhận 8 ca nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó có 5 ca là F1 có tiếp xúc với F0 thuộc chuỗi bệnh nhân N.V.A. về từ Thành phố Hồ Chí Minh, 2 trường hợp ghi nhận tại chốt kiểm soát, 1 trường hợp từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về (chưa cách ly, đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19).

Đà Nẵng hiện có 2 trong tổng số 7 quận huyện ghi nhận ca mắc có nguy cơ lây lan cho cộng đồng gồm quận Hải Châu (3 ca), quận Thanh Khê (3 ca).

Tính từ 10/7 đến nay, Đà Nẵng ghi nhận 4.692 ca mắc COVID-19.

Trong ngày 20/10, Đà Nẵng tổ chức xét nghiệm 5.688 lượt người; phát hiện 61 trường hợp F1, 52 trường hợp F2. Thành phố hiện có 3 điểm phong tỏa với 76 hộ (287 khẩu).

Đến nay, Đà Nẵng tiếp nhận 1.007.856 liều vaccine, đã tiêm 989.583 liều; trong đó 854.107 người tiêm mũi 1; 135.476 người tiêm mũi 2.

[Đà Nẵng: Hỗ trợ nữ đoàn viên công đoàn gặp khó khăn do dịch COVID-19]

Phát biểu tại buổi họp, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Trần Thanh Thủy đánh giá nguy cơ lây dịch từ bên ngoài rất cao. Vì vậy các địa phương cần rà soát người từ nơi khác vào, kiểm tra việc quét mã QR code tại các điểm tập trung đông người. Thành phố đang đẩy nhanh việc tiêm chủng, trong đó sớm triển khai tiêm chủng vaccine mũi 2.

Đánh giá tình hình triển khai các biện pháp phòng dịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến cho biết hiện nay một số tỉnh thành trên cả nước có nhiều ca mắc nhưng trên bản đồ cấp độ không hiển thị thực tế. Cùng đó, một số địa phương ghi nhận người tiêm 2 mũi vaccine vẫn mắc COVID-19. Do đó, các quận, huyện cần làm tốt những quy định hướng dẫn của thành phố và Trung ương về phòng chống dịch; đồng thời nắm bắt, tiếp nhận thông tin hàng ngày những người từ vùng dịch về thành phố, để triển khai các biện pháp phòng dịch phù hợp.

Theo bà Ngô Thị Kim Yến, thời gian đến Sở Y tế phối hợp với các sở ngành liên quan thống nhất về việc sớm tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các em từ 15 đến 18 tuổi (tương ứng với lớp 10, 11, 12).

Phát biểu chỉ đạo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị các địa phương cần siết chặt, tổ chức các tổ COVID-19 cộng đồng, theo dõi sát người từ vùng dịch trở về địa phương. Ngành y tế cần rà soát, nâng cao năng lực tuyến y tế cơ sở và cần có sự đầu tư thích ứng với điều kiện cụ thể.

Bên cạnh đó, ông Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu ngành giáo dục cần có phương án tổ chức cho học sinh đi học sớm hơn, ban hành tiêu chí trường học an toàn.

Phát biểu kết luận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho rằng thực tế vừa qua cho thấy có sự chủ quan của chính quyền địa phương, không có sự quản lý chặt người từ vùng dịch trở về. Các địa phương cần rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc quản lý phòng, chống dịch.

Thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông cần chuyển thông tin người từ vùng dịch kịp thời cho chính quyền địa phương; các xã phường cần thành lập tổ quản lý giám sát đối với những người từ vùng dịch, chịu trách nhiệm về việc phòng dịch, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục