Đà Nẵng: Tăng cường vệ sinh môi trường phòng sốt xuất huyết

Trước nguy cơ bệnh sốt xuất huyết tăng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh công tác giám sát, vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh.
Điều trị cho bệnh nhân nhi. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Trước nguy cơ bệnh sốt xuất huyết tăng so với các tháng trước, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng đẩy mạnh công tác giám sát, vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh.

Ông Đặng Quang Ánh - đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, thành phố ghi nhận hơn 4.100 trường hợp mắc sốt xuất huyết, giảm 2.406 trường hợp so với cùng kỳ năm 2017.

[Việt Nam-Ấn Độ tăng cường hợp tác về y tế và du lịch chữa bệnh]

Tuy nhiên, trong tháng 11 và đầu tháng 12/2018, số ca mắc sốt xuất huyết tăng so với các tháng trước, trung bình mỗi tuần có 250 trường hợp.

Đỉnh điểm từ ngày 26/11-2/12, thành phố ghi nhận 278 trường hợp mắc, tăng 25 ca so với tuần trước đó.

Theo ông Ánh, trong một tuần vừa qua, thành phố ghi nhận 32 ổ bệnh, tập trung ở các quận Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ, quận Hải Châu và huyện Hòa Vang. Hiện tất cả các ổ bệnh này đã được phun hóa chất xử lý.

Cùng với đó, đội y tế dự phòng các quận, huyện cũng tăng cường giám sát, tổ chức các đợt ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy tại các phường, xã, tiến hành vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân ở những vùng có nguy cơ cao xuất hiện sốt xuất huyết.

Về nguyên nhân gia tăng bệnh sốt xuất huyết, ông Ánh cho biết, thời tiết nắng mưa thất thường, xen kẽ các đợt nóng ẩm, mật độ dân số cao, biến động dân cư lớn đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn sinh sản và phát triển. Ngoài ra, một số người dân còn xem nhẹ công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy tại hộ gia đình, khu dân cư để phòng chống sốt xuất huyết. Nhiều hộ dân còn tư tưởng trông chờ vào việc phun hóa chất diệt muỗi.

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng yêu cầu các quận, huyện tập trung nhân lực, huy động sự tham gia của hệ thống chính trị cho công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, kiểm tra giám sát và huy động các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội tích cực tham gia và vận động người dân vệ sinh môi trường để phòng chống dịch bệnh.

Các biện pháp như dọn bỏ các vật dụng phế thải, đậy kín các vật dụng chứa nước mưa, nước sinh hoạt; thực hiện khơi thông cống rãnh, hố nước đọng... để loại bỏ nơi trú ngụ, sinh sản và phát triển của muỗi mỗi tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ bùng phát bệnh sốt xuất huyết cao và 2 tuần/lần tại các khu vực còn lại.

Tuyên truyền cho người dân phòng chống bệnh sốt xuất huyết. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành y tế tổ chức tuyên truyền tại các trường học về biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; thông báo ngay cho các cơ sở y tế khi phát hiện có trường hợp mắc bệnh để phối hợp xử lý.

Để phòng chống dịch bệnh, nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Bộ Y tế khuyến cáo tổng vệ sinh trường học, nơi công cộng để giáo dục, nâng cao trách nhiệm của các em học sinh, giáo viên trong phòng chống dịch, bệnh.

Về công tác truyền thông, các cơ sở y tế cần đẩy mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng cung cấp thông tin và đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về các khuyến cáo phòng chống dịch, bệnh lây qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đặc biệt, người dân cần lưu ý tiến hành việc sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh, biện pháp thường xuyên rửa tay với xà phòng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cũng được truyền thông sâu rộng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục