Sau 47 năm được giải phóng, 25 năm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã vươn lên trở thành một đô thị hiện đại, văn minh, là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Một trong những yếu tố dẫn đến thành công là Đà Nẵng đã đi đúng hướng trong quy hoạch, đẩy mạnh hạ tầng giao thông đô thị.
Là một trong những nguyên lãnh đạo tâm huyết của thành phố Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cho rằng việc Đà Nẵng chọn phát triển hạ tầng giao thông đi trước để mở rộng không gian đô thị đã tạo động lực to lớn giúp kinh tế Đà Nẵng có những bước phát triển thần kỳ.
Từ những năm 1975 đến năm 1997 (thời điểm thành phố trực thuộc Trung ương), bộ mặt đô thị Đà Nẵng vẫn tồn tại nhiều bất cập, đường phố chật hẹp, khu chức năng đô thị lẫn lộn, bờ Đông sông Hàn bị tách biệt và chưa phát triển...
Nhờ phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng nhiều cây cầu nối 2 bờ sông Hàn, mở rộng đô thị về phía Đông để phát triển du lịch nên Đà Nẵng đã có những bước phát triển ngoạn mục.
Đến năm 2021, quy mô kinh tế đạt 105.000 tỷ đồng, gấp 12 lần so với năm 1997. Tổng thu ngân sách đạt 21.000 tỷ đồng, gấp 18 lần so với năm 1997. Diện tích đất xây dựng đô thị là 18.396 ha, gấp 3,5 lần năm 1997.
Một người có nhiều năm gắn bó với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng - tiến sỹ Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, bồi hồi nhớ lại thời kỳ du lịch Đà Nẵng còn chưa phát triển.
Ông chia sẻ trước năm 2000, thành phố Đà Nẵng chỉ có một khu vực trung tâm tương đối khang trang, phần còn lại là những tuyến đường vắng vẻ, những cồn cát trải dài, những dãy "nhà chồ" nhếch nhác ven sông, ven biển. Sông Hàn khi đó chỉ là nơi đi về của những chuyến phà vận chuyển đông đúc sặc mùi xăng dầu, còn nguyên bờ biển dài hoang sơ chỉ lác đác vài bãi tắm tự phát, tiềm năng du lịch biển hoàn toàn bị bỏ quên.
[Hoàn thiện các cơ chế khôi phục, phát triển kinh tế Đà Nẵng]
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho rằng năm 2000 được coi là bước ngoặt chuyển mình của Đà nẵng, khi các khu "nhà chồ" được giải tỏa, cầu Sông Hàn được đưa vào sử dụng, những tuyến đường ven biển được hình thành.
Từ năm 2003, ngành du lịch được định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Từ đó, hàng loạt dự án du lịch lớn được đầu tư, ngành du lịch ngày càng phát triển bài bản và có những bước tiến thần tốc để trở thành điểm đến hấp dẫn trên thế giới.
Thực tế cho thấy khi được khánh thành nhân kỷ niệm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng, nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm đã trở thành những dấu mốc lịch sử trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Ngày 29/3/2000, kỷ niệm 25 năm giải phóng Đà Nẵng, công trình cầu Sông Hàn chính thức được thông xe, nối bờ Đông sông Hàn với khu trung tâm thành phố. Đây là cầu quay đầu tiên do người Việt Nam tự thiết kế và thi công, là chiếc cầu đầu tiên bắc qua sông Hàn kể từ thời điểm 1975.
Cầu Sông Hàn đã góp phần mang lại sức sống mới cho bờ Đông sông Hàn, mở ra thời kỳ bùng nổ du lịch của thành phố và trở thành biểu tượng cho sự chung sức phát triển của chính quyền, nhân dân Đà Nẵng.
Sau đó, đến ngày 29/3/2013, cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý được khánh thành với kiến trúc độc đáo, thu hút du khách, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Đà Nẵng: "thành phố của những cây cầu."
Ngày 29/3/2015, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Đà Nẵng, Công trình nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế được khánh thành và đưa vào sử dụng. Công trình gồm ba tầng: tầng mặt đất cho các nhánh rẽ đường bộ không giao với đường sắt; cầu vượt tầng 1 là vòng xuyến trên cao gồm 4 làn xe chạy; cầu vượt tầng 2 cho hướng ưu tiên từ Huế vào trung tâm thành phố Đà Nẵng.
Công trình đã giúp giải quyết được "điểm đen" về giao thông; góp phần phát triển kinh tế-xã hội, mở rộng đô thị Đà Nẵng về hướng Tây Bắc; tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan đẹp trên trục đường vào trung tâm thành phố.
Nhân dịp kỷ niệm 47 năm giải phóng Đà Nẵng, ngày 28/3/2022 vừa qua, thành phố Đà Nẵng cũng tưng bừng khánh thành và đưa vào sử dụng công trình Cải tạo cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý. Đây là công trình giao thông gồm 3 tầng: đường hầm hầm, mặt đất và cầu vượt với tổng vốn đầu tư hơn 723 tỷ đồng. Công trình giúp giảm thiểu ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm tại phía Tây cầu Trần Thị Lý, kết nối sân bay Đà Nẵng với khu vực bãi biển phía Đông thành phố.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhận định Đà Nẵng vừa trải qua 2 năm vô cùng khó khăn đối phó với dịch COVID-19 nhưng chính quyền, nhân dân thành phố đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu để đảm bảo mục tiêu về phòng, chống dịch và duy trì các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội.
Công trình góp phần tạo sức bật mới, động lực mới để thành phố phục hồi tăng trưởng kinh tế, trong đó có việc kích hoạt lại các dự án phát triển hạ tầng đô thị, các dự án về kinh tế, xã hội, sự phục hồi của hoạt động du lịch.
Thành phố Đà Nẵng đã sẵn sàng đón những vị khách quý, những nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, trải nghiệm cảnh đẹp thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực và con người nơi đây./.