Đà Nẵng rà soát lại quy hoạch, hạ tầng đảm bảo ứng phó với thiên tai

Bên cạnh khắc phục hậu quả, chính quyền thành phố Đà Nẵng đang khẩn trương rà soát, đánh giá, đề xuất những giải pháp điều chỉnh quy hoạch, hạ tầng để thích ứng tốt hơn với thiên tai, lụt bão trong th
Nhiều tuyến đường chính của Đà Nẵng ngập sâu ở trận mưa lịch sử. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Nhiều tuyến đường chính của Đà Nẵng ngập sâu ở trận mưa lịch sử. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Trận mưa lụt lịch sử đêm 14, rạng sáng 15/10 do ảnh hưởng của bão số 5 đã khiến cả thành phố Đà Nẵng chìm trong biển nước ngập hàng mét, ước tính thiệt hại ban đầu toàn thành phố lên tới hơn 1.480 tỷ đồng.

Bên cạnh khắc phục hậu quả, chính quyền thành phố Đà Nẵng đang khẩn trương rà soát, đánh giá, đề xuất những giải pháp điều chỉnh quy hoạch, hạ tầng để thích ứng tốt hơn với thiên tai, lụt bão trong thời gian tới.

Lượng mưa vượt xa sức chịu đựng của hạ tầng

Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiến cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, từ ngày 14/10 đến sáng ngày 15/10 địa bàn thành phố đã có mưa rất to, lượng mưa ở khu vực các quận trung tâm thành phố từ 400-795,6 mm. Lượng mưa trong 1 giờ cao nhất là 165 mm.

Để so sánh, lượng mưa cao nhất trong một giờ tại Đà Nẵng đã lớn hơn so với trận mưa gây lụt lịch sử tại thành phố Seoul, Hàn Quốc hồi tháng 8 vừa qua (khoảng 140 mm/giờ).

Trong khi đó, theo báo cáo, hệ thống thoát nước của thành phố Đà Nẵng hiện chỉ đảm bảo khả năng thoát nước khoảng từ 30-50 mm/giờ tùy theo từng vị trí. Thời điểm mưa lớn nhất lại xảy ra vào đúng thời điểm triều cường vào tối 14/10, nên đã gây ngập lụt rất lớn trên địa bàn thành phố, nhất là các quận nội thành.

Theo tiến sỹ Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, trong trường hợp của Đà Nẵng, để ứng phó với lượng nước mưa lớn như vậy liên tục trong 6 tiếng cần hạ tầng thoát nước gấp 3 lần hạ tầng hiện tại. Điều này gần như bất khả thi vì rất tốn kém, đòi hỏi nhiều chi phí giải phóng mặt bằng, thay toàn bộ hệ thống thoát nước cũ, đào hết đường lên để xây lắp cống mới... Chúng ta chỉ có thể hạn chế các rủi ro ngập lụt tại đô thị bằng cách tăng không gian cho nước bằng hồ chứa, hạn chế phát triển đô thị kiểu be bờ xung quanh bờ biển, hạn chế lấn sông và dành không gian mặt thoáng cho nước tự chảy. Các trường học, các công sở không nên bít kín bằng bê tông, vừa nóng vừa không thấm nước. Khu vực nông thôn cần hạn chế bê tông hoá sân vườn.

Tiến sỹ, kiến trúc sư Nguyễn Thị Thùy Vân, trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cũng nhận định, trận mưa vừa qua là một hiện tượng mưa lớn cực đoan (có trạm đo được lượng mưa lên đến 637mm/6 tiếng) và chưa hề trong kịch bản thoát lũ ở đô thị Đà Nẵng và các đô thị Việt Nam khác.

[Đà Nẵng: Mưa lớn dữ dội, gần như toàn bộ thành phố bị ngập úng]

Trong quá trình xây dựng đô thị trước đây, các nhà quy hoạch và quản lý chưa tính được rủi ro của thiên tai trong tương lai, dẫn đến việc quy hoạch không thích ứng kịp với biển đổi khí hậu. Hiện nay, các dạng thời tiết cực đoan xuất hiện với tần suất nhiều hơn và khó lường.

Vì vậy, đòi hỏi các đô thị phải tính toán đến các kịch bản thoát lũ với tần suất lặp lại cao hơn hiện tại (sẽ rất khó đối với các đô thị cũ do sự vênh của cơ sở hạ tầng...). Đối với Quy hoạch đô thị Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, các chuyên gia quy hoạch và nhà quản lý đô thị nên có những đánh giá xác đáng về rủi ro thiên tai dựa trên những nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử rủi ro của thiên tai.

Tái thiết đô thị tại các khu vực nguy cơ cao

Thực tế trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua, những khu vực bị tác động nghiêm trọng nhất là những khu vực trung tâm cũ và những khu vực có dự án “treo,” hạ tầng đã xuống cấp, quy hoạch chưa đồng bộ. Như khu “tam giác” đường Tôn Đức Thắng-Mẹ Suốt-Hoàng Văn Thái thuộc phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) đã bị nước ngập sâu đến 2m, khu vực này thuộc dự án Di dời ga đường sắt Đà Nẵng đã bị quy hoạch “treo” gần 20 năm nay.

Vừa qua, dự án “treo” này đã được quy hoạch sang vị trí khác, nhưng trong khi chờ quy hoạch mới thì hàng nghìn hộ dân nơi đây vẫn phải “sống chung với lũ”, cơ sở hạ tầng khu bị xuống cấp nghiêm trọng và không được tu bổ suốt thời gian qua.

Hậu quả, hàng nghìn hộ dân trong các kiệt hẻm của những tuyến đường này đã phải kêu cứu khẩn cấp trong đêm 14/10, khi nước lên nhanh và chảy xiết. Hòa Khánh Nam cũng là phường bị thiệt hại nặng nhất toàn thành phố, khi có đến 3 người tử vong, hơn 9.000 hộ dân bị ngập, lũ quét gây thiệt hại về ô tô, xe máy, đồ dùng gia đình không đếm xuể...

Đà Nẵng rà soát lại quy hoạch, hạ tầng đảm bảo ứng phó với thiên tai ảnh 1Hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ ngập trong nước sau trận mưa. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Theo Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Nguyễn Hà Bắc, suốt đêm 14 và rạng sáng 15/10, lực lượng chức năng quận, phường và các đơn vị công an, bộ đội đã căng mình cứu hộ cho người dân nhưng gặp rất nhiều khó khăn. Đây là khu vực dự án “treo” lâu năm nên cơ sở hạ tầng đã bị xuống cấp nghiêm trọng, rất nhiều bất cập và cần sớm được tái thiết đô thị.

Hiện nay Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 20/6/2022 của Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về xây dựng và phát triển quận Liên Chiểu đến năm 2030 đã có chủ trương sớm xúc tiến quy hoạch, kêu gọi đầu tư các dự án tái thiết đô thị. Lãnh đạo quận rất quyết tâm đẩy nhanh tiến độ tái thiết đô thị, hiện đã có nhà đầu tư đề xuất, đã báo cáo Hội đồng tư vấn quy hoạch thành phố, hy vọng sẽ sớm khắc phục dứt điểm các bất cập về hạ tầng, đảm bảo đời sống cho bà con nhân dân trong khu vực.

Quy hoạch đồng bộ, hoàn thiện hạ tầng

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang tích cực nghiên cứu, triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch thành phố theo Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trận lụt lịch sử vừa qua là minh chứng cho thấy các nội dung về công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là ngập lụt đô thị cần phải được lồng ghép vào trong các quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng của thành phố.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng Phùng Phú Phong, Sở Xây dựng thành phố sẽ lưu ý trong quá trình thẩm định các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt trong thời gian tới; trong đó, ưu tiên dành quỹ đất để bố trí hành lang thoát lũ, hình thành các hồ điều hòa và tăng diện tích hành lang xanh, mảng xanh đô thị, hạn chế tối đa việc bê tông hóa nếu không thật sự cần thiết; lựa chọn chu kì lặp lại trận mưa tính toán cao hơn trong đồ án quy hoạch cao độ nền và thoát nước mưa và các dự án mới.

Về giải pháp căn cơ cụ thể, ông Phùng Phú Phong cho rằng, hiện nay lưu vực sân bay có diện tích khá lớn và rất khó kiểm soát về hướng thoát nước, dẫn đến bị động trong công tác ứng phó ngập úng. Để hạn chế mức độ ảnh hưởng đến khu vực đô thị trung tâm, Sở Xây dựng kiến nghị thành phố tiến hành nạo vét, nghiên cứu cải tạo mở rộng và xây dựng mới các hồ điều hòa trong phạm vi sân bay; đồng thời, phối hợp với Sở Xây dựng xây dựng phương án điều tiết nước tại các hồ điều hòa để giảm áp lực cho hệ thống thoát nước thành phố.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh, thành phố đang tập trung nguồn lực để triển khai khắc phục hậu quả do mưa, lũ gây ra và đầu tư xây dựng các công trình khẩn cấp để ổn định lâu dài trong công tác phòng chống thiên tai.

Tuy nhiên do nguồn lực có hạn nên thành phố đang đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ đầu tư 3 dự án: Dự án kiên cố hóa đường Hoàng Sa-khu vực bán đảo Sơn Trà (khái toán kinh phí 500 tỷ); Dự án chống ngập nước khu vực Sân bay (khái toán 500 tỷ đồng); Dự án Đầu tư, gia cố hệ thống kè dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa-Trường Sa-Võ Nguyên Giáp (khái toán kinh phí 180 tỷ đồng)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục