Sáng 29/3, thành phố Đà Nẵng đã tổ chức khánh thành và đưa vào sử dụng công trình cầu mới qua sông Hàn là cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, thành phố và đông đảo nhân dân Đà Nẵng dự lễ khánh thành. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những thành quả mà Đà Nẵng đã đạt được trong 38 năm qua, đặc biệt kể từ khi là thành phố trực thuộc trung ương. Chính việc Đà Nẵng mạnh dạn đầu tư xây dựng những chiếc cầu bắc qua sông Hàn đã thúc đẩy vùng đất thuộc các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn phát triển mạnh và trở thành nơi hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong hai chiếc cầu được khánh thành dịp này, cầu Rồng có dạng cầu vòm ba nhịp, đường xe chạy giữa, hình dáng cách điệu dạng Rồng.
Cầu Rồng phun lửa tại lễ khánh thành. (Ảnh: Trần Lê lâm/TTXVN)
Cầu Rồng hướng ra phía biển, giao cắt đồng mức tại nút giao thông đường Bạch Đằng. Các trụ cầu được đặt trên hệ thống cọc khoan nhồi. Cầu gồm tám nhịp với kết cấu dầm hộp BTCT và dầm thép liên hợp bản BTCT. Điểm cuối vòm đoạn một được gắn với biểu tượng "đuôi Rồng" và điểm cuối vòm đoạn bảy được gắn với biểu tượng "đầu Rồng." Đầu Rồng, trọng lượng khoảng 45 tấn; đuôi Rồng, trọng lượng khoảng 18 tấn, cấu tạo từ các tấm thép dày 10mm và các chi tiết liên kết, trang trí tạo hình kiến trúc cách điệu hình dáng Rồng thời Lý và được gắn với ống vòm bằng liên kết hàn. Tổng mức đầu tư 1.739 tỷ đồng. Tổng chiều dài cầu 666m, bề rộng mặt cầu 36m-37,5m. Cầu Trần Thị Lý có dạng cầu dây văng một trụ tháp nghiêng và ba mặt dây, hình dáng cách điệu con thuyền căng buồm hướng ra biển lớn. Tổng chiều dài cầu 731m, bề rộng mặt cầu 34,5m, tổng mức đầu tư 1.709 tỷ đồng. Trụ tháp bằng bêtông cốt thép có chiều cao 134m tính từ bản mặt cầu, nghiêng 12 độ về phía Tây cầu, độ cao 145m so với mực nước biển. Cả hai công trình cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý đều có kiến trúc độc đáo, kết cấu phức tạp, nhưng tất cả các khâu từ quản lý dự án, thiết kế bản vẽ thi công, giám sát, thi công hầu hết do đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện. Các công trình cầu mới qua sông Hàn đã đáp ứng được hai chức năng chính của một công trình giao thông đô thị là chức năng giao thông và chức năng thẩm mỹ. Hai cầu đều nằm trên hai trục giao thông quan trọng của thành phố, kết nối trung tâm thành phố với các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, góp phần hoàn chỉnh quy hoạch giao thông của thành phố, giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trước mắt cũng như trong tương lai./.
Văn Sơn (TTXVN)