Trong những ngày qua, người dân Đà Nẵng đang phản ứng khá gay gắt khi Công ty Cổ phần đầu tư và Thương mại Thái Lâm (sau đây gọi tắt cà Công ty Thái Lâm) trúng thầu và tổ chức thu phí tại các bãi giữ xe trên địa bàn Đà Nẵng.
Trong lúc chưa tạo được sự đồng thuận về phía người dân và du khách thì Công ty Thái Lâm lại đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cắm biển cấm dừng, đỗ xe tại các tuyến đường lân cận bãi giữ xe để dễ thu tiền.
Công ty Thái Lâm (có trụ sở đóng tại Hải Phòng) đã trúng thầu việc thu tiền giữ xe đạp, xe máy, xe ôtô tại các bãi giữ xe thuộc các khu vực Dãy nhà hàng tiệc cưới đường 2 Tháng 9; Dãy nhà hàng từ Mỹ Hạnh đến Phước Mỹ; Khu vực trước Cổ Viện Chàm.
Thời gian thuê mặt bằng thực hiện dịch vụ trông giữ xe là 3 năm. Toàn bộ số tiền đấu giá thu được chuyển vào ngân sách thành phố.
Nếu như trước đây, người dân tại thành phố Đà Nẵng cũng như du khách khi đi ăn uống hoặc dự tiệc cưới tại các nhà hàng ở khu vực trên, hoặc tham quan Cổ Viện Chàm thì không phải đóng bất cứ khoản nào về giữ xe thì nay phải đóng theo khung giá.
Cụ thể, đối với ngày thường, ban ngày (từ 6 giờ đến trước 22 giờ), xe đạp: 2.000 đồng/lượt; xe máy, môtô, xe đạp điện, xe máy điện: 4.000 đồng/lượt; ô tô dưới 16 chỗ, ôtô tải dưới 3,5 tấn: 20.000 đồng/lượt; ôtô trên 16 chỗ, ôtô tải trên 3,5 tấn: 40.000 đồng/lượt.
Ban đêm (từ 22 giờ đến trước 6 giờ sáng hôm sau), xe đạp: 3.000 đồng/lượt; xe máy, môtô, xe đạp điện, xe máy điện: 5.000 đồng/lượt; ôtô dưới 16 chỗ, ô tô tải dưới 3,5 tấn: 25.000 đồng/lượt và ôtô trên 16 chỗ, ôtô tải trên 3,5 tấn: 50.000 đồng/lượt. Riêng ngày lễ, Tết và sự kiện giá vé tăng từ 1.000-25.000 đồng/xe (tùy loại xe).
Tuy thu giá vé giữ xe là vậy, nhưng Công ty Thái Lâm chỉ kẻ vạch phân luồng xe chứ chưa đầu tư về mái che, hàng rào bảo vệ… thậm chí đến lúc cao điểm vào cuối tuần, khi lượng khách quá đông, nhân viên giữ xe không thể phát vé kịp cho khách, nên xảy ra tình trạng “vỡ trận" tại bãi giữ xe.
Phản ứng trước việc “kẻ vạch thu tiền,” ông Nguyễn Đình Hùng (trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, trước đây gia đình đi đám cưới tại dãy nhà hàng trên đường 2 Tháng 9 thì không phải đóng tiền giữ xe. Khi đến đây, nhân viên nhà hàng sẽ ghi số, phát vé. Nay công ty Thái Lâm phát vé thu tiền nhưng xe vẫn phơi giữa trời nắng chang chang, nếu cháy nổ xảy ra, cả ngàn chiếc xe “ra đi” trong chốc lát. Bên cạnh đó, giá vé giữ xe ghi là 4.000 đồng/lượt, nhưng nhân viên vẫn thu 5.000 đồng/lượt, vậy số tiền đó đi đâu, có vào ngân sách hay không…?
Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Nguyên Thái, Giám đốc Công ty Thái Lâm cho biết công ty triển khai đấu thầu thu tiền giữ xe tại các bãi theo quy định của lãnh đạo cũng như các ban ngành chức năng của thành phố Đà Nẵng.
"Đến nay, chúng tôi mới chỉ ký hợp đồng nguyên tắc chứ chưa có hợp đồng chính thức. Cộng vào đó là lượng khách đến các bãi, nhất là dọc tuyến đường 2 Tháng 9 rất thất thường, chỉ đặc biệt đông vào cuối tuần, nên chúng tôi bố trí nhân viên có lúc còn thiếu sót. Mặc dù, công ty đã đề nghị làm mái che tại các bãi giữ xe nhưng thành phố Đà Nẵng không đồng ý vì giữ mỹ quan đô thị. Qua thời gian triển khai thu vé từ tháng 2/2018 đến nay, tháng nào doanh nghiệp cũng phải bù lỗ. Vì vậy, chúng tôi đề nghị các ngành chức năng thành phố Đà Nẵng sớm tổ chức cắm biển cấm dừng, cấm đỗ tại các tuyến đường lân cận khu vực có bãi giữ xe để nhân viên… dễ thu tiền," Giám đốc Công ty Thái Lâm cho hay.
Trong quá trình triển khai thu tiền giữ xe đã gặp một số bất cập, phản ứng của người dân cũng như các chủ nhà hàng ở trong khu vực, nên Công ty Thái Lâm đã có ý kiến xin rút lui không tham gia khai thác bãi giữ xe tại dãy nhà hàng đường 2 Tháng 9.
Vẫn biết, việc tận dụng những khoảng đất công cộng để bố trí, tập trung xe về tại đây nhằm giảm bớt lượng xe đậu, đỗ trên đường, đem lại đường thông, hè thoáng, tạo mỹ quan đô thị là cần thiết; bên cạnh đó, số tiền đấu thầu các bãi giữ xe sẽ được nộp vào ngân sách làm tăng nguồn thu là chủ trương đúng của thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, để một chủ trương mới thay đổi thói quen, tạo ra được sự đồng thuận của người dân là không dễ dàng.
Chính vì vậy, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, các ngành chức năng thành phố và doanh nghiệp tham gia đấu thầu bãi giữ xe cần có hành động phù hợp, thiết thực để không gây thiệt hại cho doanh nghiệp nhưng cũng cần xem xét lại quyền lợi chính đáng của người dân trên địa bàn.
Đặc biệt đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp là chủ nhà hàng, các doanh nghiệp lữ hành hiểu rằng mỗi hành động của mình là chung tay, góp sức xây dựng một thành phố Đà Nẵng ngày càng văn minh, hiện đại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trúng thầu các bãi giữ xe cũng cần đào tạo, hướng dẫn cho nhân viên ứng xử một cách hài hòa trong lúc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình./.