Năm 2021 thành phố Đà Nẵng chọn chủ đề là “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế”, với mục tiêu đề ra Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6% so với năm 2020.
Hiện không chỉ các doanh nghiệp, các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng cũng đang quyết liệt triển khai các nhóm giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhận định, những bài học kinh nghiệm vừa qua chính là tiền đề quan trọng để thành phố quyết tâm, nỗ lực khắc phục hạn chế, khó khăn nhằm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021, tạo tiền đề cho cả nhiệm kỳ 2020-2025.
Nhiều giải pháp khôi phục nền kinh tế
Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, chuyên chế biến và cung cấp các suất ăn công nghiệp, Công ty trách nhiệm hữu hạn An Thạnh (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) cũng chịu nhiều ảnh hưởng qua các đợt dịch COVID-19 vừa qua.
Nhờ được hưởng các gói hỗ trợ của Chính phủ, cũng như sự nỗ lực vượt khó của lãnh đạo và nhân viên nên dù doanh thu năm 2020 giảm tới 50% nhưng công ty vẫn duy trì hoạt động, mỗi ngày chế biến khoảng 30.000 đến 40.000 suất ăn cho các khu công nghiệp.
Chia sẻ kinh nghiệm vượt qua khó khăn, ông Châu Quang Anh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn An Thạnh cho biết: “Hiện, chúng tôi đang thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm chi phí tối đa, cắt giảm chi tiêu những khoản không cần thiết, tinh giản một phần bộ máy, chỉ duy trì những nhân sự chủ chốt. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã có nhiều hỗ trợ cho các doanh nghiệp như: giãn thuế, hỗ trợ cho vay trả tiền lương cho người lao động, giảm lãi suất ngân hàng... Chúng tôi được ngân hàng BIDV chi nhánh Hải Vân hỗ trợ giảm lãi suất vay từ 6,5% xuống còn 5,5%, đây là những hỗ trợ rất cần thiết cho các doanh nghiệp cho hoàn cảnh khó khăn hiện nay.”
Dự đoán cho năm 2021, ông Châu Quang Anh cho rằng, các doanh nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có nhiều khả năng phát triển. Hiện, Việt Nam đã tạm thời ngăn chặn được dịch bệnh COVID-19 trong cộng đồng, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp nước ngoài khi xúc tiến đầu tư.
[Năm 2021, Đà Nẵng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu]
Bên cạnh đó, thị trường nội địa còn rất nhiều tiềm năng có thể khai thác, hy vọng có thể tạo nên sức bật cho doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Theo Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 10/12/2020 của Thành ủy Đà Nẵng về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng đã được đề ra trong năm 2021; trong đó, Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng cùng các cơ quan, ban ngành tiếp tục phối hợp để triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành du lịch trên 5 lĩnh vực về thị trường khách, sản phẩm du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực và đầu tư phát triển du lịch; phấn đấu lượng khách lưu trú tăng 20-22%/năm, doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng 20-22%/năm.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng tăng cường hợp tác công tư đối với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng logistics như xúc tiến đầu tư dự án Cảng Liên Chiểu, nâng cấp Cảng Tiên Sa, quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, mở rộng nhà ga T1 và xây dựng ga hàng hóa tại Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng với công suất khai thác từ 80.000-100.000 tấn/năm...
Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư
Năm 2020, lần đầu tiên trong suốt 23 năm từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, nền kinh tế Đà Nẵng có mức tăng trưởng âm. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 ước tính sụt giảm ở mức 9,77% so với năm 2019.
Theo báo cáo của Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, trong nền kinh tế thành phố năm 2020, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn và bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19; quy mô giá trị tăng thêm của khu vực này bị thu hẹp hơn 5,3 nghìn tỷ đồng so với năm 2019; trong đó, nhiều ngành có mức giảm sâu như: dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 37,33%); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (giảm 41,25%); bưu chính và chuyển phát (giảm 18,32%); nghệ thuật và vui chơi giải trí (giảm 7,42%)...
Khách du lịch đến Đà Nẵng trong năm 2020 giảm mạnh, tổng lượng khách lưu trú ước đạt 2,67 triệu lượt (giảm 64% so với năm 2019).
Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng Trần Văn Vũ dự đoán, nếu giữ nguyên cơ cấu khu vực dịch vụ chiếm khoảng 65% GRDP như hiện nay, tăng trưởng của toàn nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào khu vực dịch vụ, nên Đà Nẵng có khả năng sẽ tiếp tục chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 trong năm 2021 sắp tới.
Vượt qua rất nhiều khó khăn trong năm 2020, thành phố Đà Nẵng cũng có điểm sáng là thu hút đầu tư đạt kết quả ấn tượng.
Ông Nguyễn Đình Tuấn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong năm 2020, thành phố Đà Nẵng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 21 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 18.559 tỷ đồng; cấp mới cho 83 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 128,856 triệu USD; có 20 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 80,057 triệu USD.
Lũy kế đến nay, toàn thành phố có 704 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu từ hơn 147.551 tỷ đồng (lĩnh vực thương mại-dịch vụ-du lịch, bất động sản...) và 881 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 3,707 tỷ USD (lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao, thương mại, tư vấn, công nghệ thông tin...).
Đây là nguồn lực quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển thành phố, góp phần phục hồi kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và giải quyết lao động, việc làm cho thành phố trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vừa qua.
Để tiếp tục phát huy thế mạnh trên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nêu giải pháp: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức những cuộc gặp gỡ trực tuyến theo chuyên đề, để cung cấp thông tin về chính sách thu hút của Đà Nẵng, nhắm vào những thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu... Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc kết nối, liên kết giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đặc biệt sớm triển khai, hoàn thiện thủ tục thành lập Khu công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, các khu công nghiệp vệ tinh.”
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cũng cho biết, chính quyền thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Năm 2021, bên cạnh nỗ lực khôi phục ngành du lịch, Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung phát triển các lĩnh vực mũi nhọn như công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, logistics./.