Đà Nẵng đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024

Các đơn vị tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện...

Dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu có tổng mức đầu tư 1.203 tỷ đồng, đã giải ngân được 558,117 tỷ đồng, đạt 46% tổng mức đầu tư. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)
Dự án đường ven biển nối cảng Liên Chiểu có tổng mức đầu tư 1.203 tỷ đồng, đã giải ngân được 558,117 tỷ đồng, đạt 46% tổng mức đầu tư. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành văn bản số 6425/UBND-ĐTĐT, yêu cầu các sở, ban ngành; ủy ban nhân dân các quận, huyện; các ban quản lý dự án thuộc Ủy ban Nhân dân thành phố; Trung tâm phát triển quỹ đất Đà Nẵng triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh giải ngân Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.

Các tháng đầu năm 2024, công tác giải ngân Kế hoạch vốn đầu tư đạt một số kết quả bước đầu, tuy nhiên kết quả thực hiện đến nay vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra; bên cạnh nguyên nhân khách quan, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 chậm do nhiều nguyên nhân chủ quan thuộc trách nhiệm của các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, chủ đầu tư.

Xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân..., vốn đầu tư công là nguồn vốn mồi dẫn dắt và thu hút, huy động các nguồn vốn khác trong xã hội cho đầu tư phát triển; phát huy vai trò, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan, địa phương, đơn vị trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, thành phố phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt 95% kế hoạch Trung ương giao.

Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, các ban quản lý dự án siết chặt kỷ luật, kỷ cương gắn liền với tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong quá trình xử lý hồ sơ; trong phối hợp cho ý kiến; trong việc lập, trình, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy,... dự án đầu tư/báo cáo kinh tế kỹ thuật.

Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm cá nhân trước Ủy ban Nhân dân thành phố về kết quả công việc của đơn vị mình; Căn cứ nội dung Công văn số 3155/UBND-ĐTĐT ngày 12/6/2024, Công văn số 5291/UBND-ĐTĐT ngày 23/9/2024 và Công văn số 5762/UBND-ĐTĐT ngày 16/10/2024 của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 và chuẩn bị kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công năm 2025.

Các đơn vị lưu ý việc chậm trễ trong phối hợp giải quyết hồ sơ, trong việc cho ý kiến (không có ý kiến góp ý; ý kiến góp ý chậm trễ hoặc nội dung góp ý chung chung thiếu quan điểm chính kiến) của các sở, ngành là một trong những nguyên nhân chủ quan chính làm hạn chế tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành chuyên môn, ủy ban nhân dân các quận, huyện chủ động tích cực rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện trình tự, thủ tục liên quan thẩm định phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự toán công trình, phê duyệt dự án đầu tư/báo cáo kinh tế kỹ thuật, phê duyệt thủ tục đền bù giải tỏa,... tránh trường hợp chuyển trả hồ sơ nhiều lần.

Các đơn vị chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án, tổng hợp nhu cầu bổ sung vốn của các dự án, đề xuất phương án báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn trong nội bộ theo quy định để đảm bảo giải ngân hết số vốn được giao.

ttxvn-da nang3.jpg
Khu vực biển triển khai Dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu. (Ảnh: Quốc Dũng/TTXVN)

Ủy ban nhân dân các quận, huyện; các ban quản lý dự án, chủ đầu tư tổ chức kiểm tra, rà soát đối với các dự án có khả năng giải ngân tốt để đề xuất điều chuyển vốn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét giải quyết; chủ động tăng cường đôn đốc hồ sơ thủ tục, kịp thời phối hợp giải trình, hoàn thiện hồ sơ trong quá trình thẩm định hồ sơ trình phê duyệt dự án đầu tư/báo cáo kinh tế kỹ thuật; đặc biệt các công trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trước và trong năm 2023 nhưng hiện nay tiến độ thực hiện quyết định đầu tư các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư chưa đạt yêu cầu.

Các đơn vị tập trung đẩy mạnh hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; chỉ đạo đơn vị, tố chức chính trị xã hội tham gia tuyên truyền, vận động, kiểm kê,... sớm bàn giao mặt bằng để thi công; chủ đầu tư, ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu tăng cường nhân lực, vật lực đẩy nhanh thi công các khu tái định cư, các khu vực đã có mặt bằng.

Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, đánh giá năng lực, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý phù hợp đối với các nhà thầu, đơn vị thi công yếu kém năng lực, làm ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đề xuất các giải pháp hỗ trợ chủ đầu tư trong việc lập đánh giá tác động môi trường; tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố các giải pháp đảm bảo nguồn nguyên liệu đất san lấp và đá xây dựng cung cấp cho nhu cầu trên địa bàn thành phố, nhất là cho các công trình trọng điểm, động lực; thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về tháo gỡ các khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác vật liệu đá, cát, đất; thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu phục vụ các dự án đầu tư công đảm bảo nhanh, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, chủ động phối hợp với các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận huyện, ban quản lý dự án và các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, đề xuất hướng xử lý đối với các nhóm dự án; báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét, tháo gỡ nhằm đẩy nhanh các thủ tục, tiến độ triển khai các dự án, giải ngân vốn đầu tư công.

Rà soát, báo cáo đề xuất Ủy ban Nhân dân thành phố rút ngắn quy trình, trình tự thủ tục đầu tư công; ưu tiên bố trí đủ kinh phí để bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các phần diện tích có đủ điều kiện; yêu cầu các đơn vị cam kết bằng văn bản về kết quả thực hiện năm 2024. Trong đó lưu ý rà soát, rút kinh nghiệm công tác phân bổ vốn đầu tư công đảm bảo nguyên tắc, khả thi, phù hợp thực tế; tập trung, phối hợp các sở, ban, ngành và ủy ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025, điều chỉnh kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 và kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2026-2030 đảm bảo chất lượng, tiến độ theo yêu cầu.

da nang3.jpg
Thi công một dự án hạ tầng giao thông. (Ảnh minh họa. Việt Hùng/Vietnam+)

Các đơn vị liên quan đánh giá, tổng hợp danh sách đơn vị không hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đã cam kết về giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, gửi kết quả về Sở Nội vụ trước ngày 15/1 hằng năm tổng hợp tham mưu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố trong xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm.

Công an thành phố rà soát, chủ động tích cực hướng dẫn cho các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn về quy trình, trình tự, thủ tục, quy định liên quan đến hồ sơ trình thẩm duyệt phương án phòng cháy chữa cháy đảm bảo công khai, minh bạch trên tinh thần rút ngắn thời gian thực hiện, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Sở Nội vụ căn cứ nội dung được giao và chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố tại Công văn sô 5291/UBND-ĐTĐT ngày 23/9/2024 để đánh giá, nhận xét, yêu cầu các đơn vị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, địa phương, đơn vị, cá nhân liên quan không hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ đã cam kết về giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục