Đà Nẵng chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đề nghị các quận, huyện triển khai ngay phương án phòng, chống lũ, lũ quét, sạt lở đất, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn.
Đà Nẵng chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ ảnh 1Giao thông đi lại khó khăn do mưa lớn gây ngập đường tại Đà Nẵng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông, ngày 10/12, địa bàn các quận, huyện thuộc thành phố Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to.

Lượng mưa phổ biến từ 10-30mm, có nơi cao hơn như Hòa Phú Thành 34,6mm, Bà Nà 64,6mm.

Cụ thể, huyện Hòa Vang lượng mưa phổ biến từ 50-100mm, có nơi trên 100mm; quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn lượng mưa phổ biến từ 40-80mm; quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Hải Châu, Cẩm Lệ lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 80mm.

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung bộ đưa ra dự báo trong ngày 10/12, trên các sông thuộc thành phố Đà Nẵng xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ ở mức trên báo động 1.

Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi, lũ quét trên các sông suối nhỏ, đặc biệt khu vực Hòa Vang, Liên Chiểu. Tình hình ngập úng vùng trũng thấp vẫn tiếp tục diễn ra, nhiều khu vực ngập sâu, đặc biệt tại khu vực huyện Hòa Vang, các quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Sơn Trà. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 1 đến cấp độ 2.

Để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ gây ra, trưa 10/12, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đã có công điện khẩn gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện và sở, ban, ngành.

[Đà Nẵng: Kịp thời đưa 7 người ra khỏi vùng ngập nguy hiểm]

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng đề nghị Ủy ban Nhân dân các quận, huyện triển khai ngay phương án phòng, chống lũ, lũ quét, sạt lở đất; triển khai phương án sơ tán dân ở những vùng nguy hiểm, trũng thấp, nguy cơ ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn; tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát tại khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối, nhất là khi có nước chảy xiết; đồng thời đảm bảo lương thực, thực phẩm, nước uống và sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.

Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an thành phố sẵn sàng, chủ động lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương tổ chức di dời, sơ tán nhân dân ở các vùng ngập sâu.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi Đà Nẵng, Công ty Thoát nước và Xử lý rác thải phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ chứa để xử lý kịp thời các sự cố công trình có thể xảy ra; tổ chức trực ban phòng chống thiên tai các hồ nước, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo an toàn công trình.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Điện lực Đà Nẵng theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ để kịp thời triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống điện và khu dân cư, nhanh chóng tổ chức khắc phục điện sau mưa lớn, ngập lụt, ngập úng.

Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố theo dõi tình hình mưa, lũ chủ động cho học sinh trên địa bàn huyện Hòa Vang và các địa phương bị ngập nghỉ học để đảm bảo an toàn. Sở Du lịch yêu cầu các doanh nghiệp và các tổ chức hoạt động kinh doanh du lịch triển khai phương án phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho du khách, thông tin về tình hình mưa, lũ cho du khách biết.

Sở Y tế sẵn sàng phương án cấp cứu nạn nhân và phương án cấp cứu lưu động; chủ trì phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và hóa chất khi cần thiết để xử lý môi trường sau thiên tai.

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng, trong đêm 8 đến ngày 9/12, địa bàn thành phố Đà Nẵng có mưa lớn. Lượng mưa phổ biến từ 350-600mm, riêng Đà Nẵng 635mm, Cẩm Lệ 574,8mm.

Mưa lớn đã khiến nhiều tuyến đường tại Đà Nẵng bị ngập sâu từ 30cm đến 1,2m, hơn 1.200 hộ bị ngập. Nhiều tuyến đường trong khu vực nội thị bị ngập cục bộ trong nhiều giờ khiến nhiều xe máy, ôtô bị chết máy, giao thông tê liệt.

Mưa lớn đã khiến một số diện tích rau trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang bị thiệt hại. Quận Ngũ Hành Sơn có 33 ha rau tại khu vực A20, phường Hòa Hải, phường Hòa Quý và phường Mỹ An bị hư, dập từ 30-70%; 5.000 chậu hoa các loại tại phường Khuê Mỹ bị hư hại trên 30%. Huyện Hòa Vang có 11ha rau bị hư hại.

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, đến trưa 10/12, lượng mưa trên địa bàn thành phố đã giảm. Các tuyến phố bị ngập sâu như Hàm Nghi, Trưng Nữ Vương, Quang Trung, Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Linh, Tôn Đức Thắng... nước đã rút, giao thông đi lại lại bình thường.

Các lực lượng chức năng và người dân đang khẩn trương dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả do mưa lớn gây ra. Tuy nhiên, mực nước các sông Cu Đê, Cẩm Lệ, Túy Loan... đang lên.

Do đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, thường xuyên báo cáo công tác triển khai ứng phó với mưa lũ và tình hình thiệt hại về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, để kịp thời tổng hợp báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục