Chiều 10/12, Bệnh viện Đà Nẵng thông tin, đơn vị vừa phẫu thuật để cấp cứu thành công nam bệnh nhân bị dao đâm thấu tim nguy kịch lúc nửa đêm.
Cụ thể, bệnh nhân H.V.N. (32 tuổi, trú ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng vào lúc 0h15 ngày 3/12 trong tình trạng rất khó thở, đau tức nhiều vùng thành ngực trái, huyết áp không đo được, có vết thương rộng hơn 2cm ở khoảng gian sườn III ngực trái, đường trung đòn. Bệnh nhân có dấu hiệu bị choáng tim.
Kết quả siêu âm cấp cứu tại giường cho thấy, có nhiều dịch màng ngoài tim và dịch màng phổi, nếu bệnh nhân không được phẫu thuật kịp thời để điều trị vết thương tim thì sẽ tử vong.
Ngay lập tức, các y, bác sỹ kích hoạt quá trình “báo động đỏ,” lấy máu khẩn cấp và chuyển mổ cấp cứu, phẫu thuật điều trị vết thương tim. Sau khi được chuyển đến phòng mổ, bệnh nhân có hiện tượng chèn ép tim cấp làm ngừng tim.
[Cứu sống sản phụ mang song thai nhiễm COVID-19 nguy kịch]
Các bác sỹ đã gây mê nội khí quản, xoa bóp tim ngoài lồng ngực và mở nhanh đường ngực bên trái 15cm vào trên khoang gian sườn 4 bên trái. Ca phẫu thuật kéo dài gần 2 giờ để lấy gần 2 lít máu cục trong màng tim và màng phổi trái.
Sau 5 ngày được điều trị tích cực, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe hoàn toàn ổn định, bệnh nhân hết khó thở, ăn uống, nói chuyện bình thường và có thể xuất viện trong 1-2 ngày tới.
Bác sỹ Phan Đình Thảo, Phó Trưởng khoa Khoa Ngoại tim mạch (Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết, việc phẫu thuật điều trị vết thương tim khá khó khăn do vùng cơ ở vùng phễu thất phải mỏng, dễ bị xé nên phải dùng cách khâu chuyên dụng để khâu cơ tim, nếu khâu không đúng cách thì cơ tim bị xé rộng ra gây tử vong.
Hơn nữa, đây là vết thương ở tim sâu vùng phễu thất phải gây tràn máu màng tim, màng phổi trái khối lượng lớn làm chèn ép tim cấp và ngừng tim nên việc phối hợp giữa phẫu thuật viên và êkíp gây mê hồi sức cũng đóng vai trò quan trọng trong thành công của ca mổ.
Theo bác sỹ Thảo, việc áp dụng quy trình “báo động đỏ” để huy động nhân lực nhiều khoa phòng như: khám cấp cứu, ngoại tim mạch, ngoại lồng ngực, gây mê, các khoa cận lâm sàng, tập trung phương tiện, kỹ thuật cứu người bệnh trong thời gian vô cùng ngắn, góp phần cứu sống rất nhiều bệnh nhân nguy kịch.
Thay vì mất khoảng 30 phút theo quy trình bình thường thì theo quy trình “báo động đỏ” chỉ sau 5-10 phút là có thể chuyển bệnh nhân từ phòng cấp cứu đến phòng mổ, tăng thêm cơ hội cứu người bệnh khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc./.