Sáng 5/9, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị công bố Chỉ số cải cách hành chính 2013 (PAR INDEX 2013) đối với 19 bộ, cơ quan ngang bộ và 63 ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố.
Hội nghị do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.
Chỉ số cải cách hành chính 2013 của các bộ, cơ quan ngang bộ cho thấy giá trị trung bình PAR INDEX 19 bộ, cơ quan ngang bộ năm 2013 đạt được là 77,25%, cao hơn so với năm 2012.
Bộ Giao thông Vận tải xếp đứng đầu, đạt chỉ số 81,06%, tiếp đến là Ngân hàng Nhà nước đạt 80,38% và Bộ Ngoại giao đạt 80,31%. Xếp vị trí cuối cùng là Ủy ban Dân tộc, có kết quả là 66,71%. Trong số các tỉnh, thành phố, Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu PAR INDEX năm 2013, đạt chỉ số 87,02%, cao hơn so với mức trung bình của cả nước 9,46%, đồng thời cao gấp 1,48 lần so với chỉ số PAR INDEX của tỉnh Sơn La - tỉnh xếp cuối cùng trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
PAR INDEX 2013 có 22 tỉnh, thành phố đạt chỉ số tổng hợp trên 80%; một tỉnh có kết quả chỉ số dưới 60%.
So sánh với năm 2012, có 7 bộ, ngành tụt hạng là Bộ Tư pháp, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thanh tra Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc. Chín bộ, ngành có sự cải thiện, nâng hạng là: Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước, Ngoại giao, Tài chính, Nội vụ, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội và Y tế.
Ba tỉnh, thành phố vẫn giữ nguyên vị trí thứ hạng là Đà Nẵng xếp thứ nhất; Thừa Thiên-Huế xếp hạng số 41 và Bắc Kạn xếp hạng số 58.
30 tỉnh có vị trí thứ hạng cao hơn năm 2012 và 30 tỉnh có vị trí tụt bậc so với năm 2012. PAR INDEX 2013 cho thấy những sự cải thiện thứ hạng vượt bậc của nhiều tỉnh, thành phố. Các tỉnh: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Bến Tre, Trà Vinh lần đầu tiên đạt kết quả tốt, xếp thứ hạng cao và nằm trong nhóm các tỉnh đạt chỉ số trên 80%; đặc biệt là tỉnh Đồng Nai, từ vị trí số 43 của năm 2012 vươn lên xếp hạng số 17 và đạt chỉ số PAR INDEX 2013 với chỉ số 81,73%.
Bình Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Cần Thơ tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ về công tác cải cách hành chính. Điều đó thể hiện ở việc Hải Phòng vươn lên xếp vị trí thứ hai, đạt chỉ số 86,93%; Bình Dương xếp thứ ba, đạt chỉ số 86,86%; Cần Thơ vươn lên xếp vị trí số 8, đạt chỉ số 84,49%.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ chỉ số cải cách hành chính là một công cụ hữu ích trong quản lý Chương trình tổng thể cải cách hành chính, giúp đánh giá một cách chính xác, khách quan công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện cải cách hành chính cũng như phản ánh những kết quả đạt được trong cải cách hành chính hàng năm của các bộ, ngành, địa phương.
Việc xác định Chỉ số cải cách hành chính từng bước tạo ra sự công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan hành chính, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với công cuộc cải cách hành chính; đồng thời, huy động được sự tham gia đánh giá của người dân, tổ chức đối với công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong cải cách hành chính; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 22/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020.
Người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp phải quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả, bảo chất lượng kế hoạch cải cách hành chính hàng năm, xác định rõ kết quả cụ thể phải đạt, những nhiệm vụ phải thực hiện gắn với trách nhiệm các cơ quan, đơn vị chủ trì thực hiện và bố trí nguồn lực thực hiện; tăng cường công tác kiểm tra triển khai cải cách hành chính. Kết quả cải cách hành chính hàng năm của bộ, tỉnh là một cơ sở để đánh giá năng lực và trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đối với các bộ, ngành, địa phương xếp thứ hạng cao cần duy trì những kết quả đã đạt được, tiến tới nâng cao hơn nữa tác động tích cực của cải cách hành chính đối với phát triển kinh tế-xã hội và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Các bộ, ngành và địa phương đạt kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2013 thấp cần xem xét cụ thể nguyên nhân, các vấn đề liên quan để tăng cường công tác chỉ đạo điều hành một cách toàn diện, đồng bộ trên tất cả các nội dung cải cách hành chính, giúp cải thiện thứ hạng Chỉ số cải cách hành chính ở những năm sau.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các nhiệm vụ về cải cách hành chính nhằm tháo gỡ ngay các vướng mắc, tạo điều kiện và thúc đẩy đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là các thủ tục trong lĩnh vực đất đai, xây dựng, thuế, hải quan.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ nhìn nhận một cách thẳng thắn, đánh giá những mặt được, hạn chế, yếu kém của việc xác định PAR INDEX 2013; đồng thời, nêu lên những đề xuất nhằm triển khai xác định PAR INDEX thực chất hơn, khách quan hơn, khoa học hơn trong những năm sau để Chỉ số này thực sự có ý nghĩa, tác động mạnh mẽ, thúc đẩy triển khai cải cách hành chính tại các bộ, ngành, địa phương, hướng tới nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và xã hội.
Việc công bố Chỉ số hàng năm phải đảm bảo tốt hơn nữa, chống tiêu cực, tham nhũng trong đánh giá chỉ số./.