Đà Nẵng, Bình Thuận tạm dừng một số dịch vụ để chống dịch COVID-19

Từ 0 giờ ngày 3/5, Đà Nẵng và Bình Thuận đã tạm dừng hoạt động một số dịch vụ quán bar, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử, khu phố đi bộ, chợ đêm để chống dịch COVID-19.
Đà Nẵng, Bình Thuận tạm dừng một số dịch vụ để chống dịch COVID-19 ảnh 1Khu nghỉ mát Furama Resort vừa đưa hệ thống máy đo thân nhiệt tự động công suất lớn vào để kiểm tra thân nhiệt phục vụ công tác phòng chống dịch. (Ảnh: TTXVN phát)

Tối 2/5, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh đã ký công văn gửi các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện trên địa bàn về việc tạm dừng một số hoạt động, dịch vụ để phòng, chống dịch COVID-19.

Thực hiện Công điện số 583/CĐ-BYT ngày 2/5/2021 của Bộ Y tế về việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; để tiếp tục thực hiện quyết liệt, đảm bảo hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố tại Công văn số 2519/UBND-SYT ngày 29/4/2021 về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Chính quyền thành phố quyết định từ 0 giờ ngày 3/5 cho đến khi có thông báo mới tạm dừng hoạt động một số dịch vụ quán bar, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử, khu phố đi bộ, chợ đêm.

[5 địa điểm chuyên gia Trung Quốc mắc COVID-19 từng đến Đà Nẵng]

Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chủ trì tổ chức, hướng dẫn triển khai thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định.

Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng Nguyễn Tiên Hồng cho biết ngành y tế thành phố đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và xác minh các địa điểm mà hai chuyên gia Trung Quốc đã đi qua khi lưu trú tại Đà Nẵng từ ngày 27-29/4.

Sở Y tế thành phố ngoài việc cách ly tập trung, xét nghiệm theo quy định đối với các trường hợp có tiếp xúc gần (F1), đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kịp thời xác minh và xử lý theo quy định đối với những người đi cùng trên chuyến bay VN7161 và VN160 nếu họ đang cư trú tại Đà Nẵng.

Cụ thể, những người ngồi cách hai hàng ghế, cùng hàng ghế với chuyên gia Trung Quốc sẽ được cách ly tập trung 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm lần 1 ngày khi được phát hiện và lần thứ hai vào ngày thứ 14.

Những hành khách đi cùng hai chuyến bay sẽ tự cách ly tại nhà, nơi cư trú trong 14 ngày, theo dõi sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm lần 1 ngay và lần 2 vào ngày thứ 14.

Những người làm việc cùng, nhân viên tại các công ty, người thân tiếp xúc gần... sẽ được hướng dẫn cách ly y tế phù hợp.

Trước đó, vào 18 giờ 30 phút ngày 27/4, hai chuyên gia Trung Quốc đã đến nhà hàng For You biển (lô 1,2,3 đường Võ Nguyên Giáp, quận Sơn Trà).

Lúc 21 giờ 30 phút cùng ngày, hai chuyên gia này đến tầng 36 khách sạn Novotel (36 Bạch Đằng, quận Hải Châu).

Từ ngày 27-29/4 hai người này lưu trú tại khách sạn Mường Thanh (đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Đà Nẵng).

Lúc 12 giờ 30 phút ngày 28/4, hai chuyên gia có mặt tại nhà hàng Biển Lớn (lô 18 đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Đà Nẵng), tối cùng ngày đến nhà hàng Trung Quốc (82 đường Lê Quang Đạo, thành phố Đà Nẵng)...

Cũng trong tối 2/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có công văn hỏa tốc gởi các sở, ban ngành; Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về việc tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Đà Nẵng, Bình Thuận tạm dừng một số dịch vụ để chống dịch COVID-19 ảnh 2Nhiều người dân và khách du lịch vẫn lơ là không đeo khẩu trang ở bãi biển công cộng tại Bình Thuận. (Nguồn: baobinhthuan.com.vn)

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thực hiện Công văn số 1492/UBND-KGVXNV ngày 30/4/2021 của Ủy ban tạm dừng một số dịch vụ không thật sự cần thiết và có nguy cơ cao lây lan dịch COVID-19 như quán bar, karaoke, massage, vũ trường, game...; tạm dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết (các lễ hội, hội chợ, chợ đêm...); trong trường hợp có tổ chức thì phải bảo đảm an toàn, phòng chống dịch; thực hiện nghiêm các biện pháp dự phòng theo quy định, đặc biệt phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và tại nơi công cộng...

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương cần tăng cường việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tại nơi công cộng để phòng chống dịch COVID-19; xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để nhân dân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục duy trì Tổ công tác phòng, chống dịch COVID-19 để kiểm tra, kiểm soát công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Tổ công tác của Sở Y tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần kiểm tra đột xuất công tác phòng, chống dịch ở các địa phương, nếu phát hiện việc chủ quan, lơ là, không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh thì báo cáo, đề xuất Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh xử lý theo quy định.

Trước đó, chiều 2/5, Sở Y tế tỉnh Bình Thuận đã có công văn gởi các sở, ban, ngành; Ủy ban Nhân dân các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, yêu cầu tiếp tục cập nhật và cung cấp danh sách các địa phương có liên quan đến dịch COVID-19 để các cơ quan, đơn vị và địa phương trong tỉnh biết, kịp thời áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định.

Những người đến Bình Thuận từ 4 địa phương sau đây phải thực hiện việc cách ly tập trung gồm thôn Quan Nhân, thôn Thọ Lão ( xã Đạo Lý), thôn Đồng Yên (xã Chân Lý); thôn Nội Đọ (xã Bắc Lý) của huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; thôn Hoàng Xá, Hoàng Các và Nại Khê (xã Tiên Tiến) của huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên; hẻm 20 và hẻm 77, đường Phạm Đăng Giảng, Khu phố 2 thuộc phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh; khu Trung và khu tập thể ga Cổ Loa, thôn Trung (xã Việt Hùng), khu công nghiệp Bắc Thăng Long, (xã Kim Cung) thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục