Đà Nẵng: Bắt đầu thi công trám vết nứt của Cầu Rồng

UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt phương án và kế hoạch bảo hành, trám một số vết rạn bêtông kỹ thuật trong dưới bệ trụ cầu phía Đông của Cầu Rồng.
Đà Nẵng: Bắt đầu thi công trám vết nứt của Cầu Rồng ảnh 1Cầu Rồng. (Ảnh: TTXVN)

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt phương án và kế hoạch bảo hành công trình Cầu Rồng.

Các vết nứt sẽ được trám bề mặt bằng vữa Epoxy Sikadur 731 cường độ cao và bơm keo Epoxy Sikadur 752 cường độ cao, độ nhớt thấp. Nhà thầu thi công bảo hành là Cienco 1.

Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông công chính Đà Nẵng có trách nhiệm phối hợp với nhà thầu thi công và Công ty Quản lý Cầu đường Đà Nẵng (đơn vị vận hành Cầu Rồng) triển khai lập phương án thi công, đảm bảo giao thông trong quá trình sửa chữa; trình Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng kiểm tra, cấp giấy phép theo quy định làm cơ sở triển khai thực hiện.

Cầu Rồng được xây dựng với tổng mức đầu tư 1.740 tỷ đồng, được khởi công tháng 7/2009 và khánh thành ngày 29/3/2013. Vào quý 4/2013, cầu Rồng đã xuất hiện một số vết rạn bêtông kỹ thuật trong dưới bệ trụ cầu phía Đông.

Theo kết quả kiểm định chất lượng công trình của một đơn vị kiểm định độc lập là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giao thông Vận tải - Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, quá trình kiểm định sức chịu tải không phát hiện các biểu hiện bất thường của kết cấu, kết cấu vẫn làm việc trong giới hạn đàn hồi. Các chỉ tiêu kỹ thuật như cường độ chịu tải, độ cứng chống biến dạng, chuyển vị đỉnh vòm, chu kỳ dao động riêng đều phù hợp với kết quả phân tích lý thuyết.

Công trình đủ khả năng chịu tải theo tiêu chuẩn 22TCN 272-05. Đối với các vết nứt (chủ yếu xuất hiện tại các vị trí tiếp giáp giữa hầm và ụ chân vòm, gờ chắn bánh dải phân cách giữa trên các đoạn dầm hộp thép, tại mố…) đều thuộc phạm vi của kết cấu bêtông cốt thép thường, có bề rộng vết nứt nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, đơn vị kiểm định cũng đã lưu ý tiếp tục theo dõi, quan trắc các vết nứt bêtông trên, mối liên kết giữa dầm thép và dầm bêtông cốt thép để đánh giá, đề ra biện pháp xử lý hợp lý.

Theo các kết quả kiểm tra, theo dõi từ giai đoạn thi công đến khi đưa công trình vào khai thác thì các vết nứt không có hiện tượng phát triển khi chất tải trọng tĩnh trong quá trình kiểm định, thử tải; không phát triển thêm kể từ khi đưa công trình vào khai thác và không ảnh hưởng đến khả năng chịu tải của cầu. Đánh giá của các chuyên gia đầu ngành cho thấy, việc xảy ra các vết nứt tại dải phân cách là do hiện tượng co ngót từ biển, vết nứt tại vị trí chân vòm và mố phía Đông là do co ngót giữa hai khối đổ bêtông khối lượng lớn.

Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông công chính, trước khi tổ chức nghiệm thu công trình đưa vào sử dụng, Sở Giao thông vận tải đã mời Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giao thông vận tải kiểm định độc lập, đánh giá an toàn chịu lực công trình.

Thời gian bảo hành do Nhà thầu thi công thực hiện đối với phần cầu chính đến hết ngày 6/6/2015. Theo các báo cáo quản lý cầu và kết quả thực tế giữa Ban Quản lý dự án, đơn vị quản lý cầu và Nhà thầu thi công, hiện nay có các vết nứt có bề rộng nhỏ trung bình 0,1-0,2mm, xuất hiện ở các vị trí: tiếp giáp giữa hai lần đổ bêtông của dầm và ụ chân vòm- nằm ngang trên gờ chắn bánh giải phân cách đoạn nhịp trên dầm hộp thép.

Trên cơ sở báo cáo và đề xuất của các bên liên quan, ngày 10/1/2014, Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã có văn bản thống nhất phương án và kế hoạch triển khai bảo hành công trình cầu Rồng. Sở Giao thông vận tải đã cấp Giấy phép thi công cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông công cộng tổ chức bảo hành công trình cầu Rồng.

Thời gian thực hiện bảo hành, bảo trì từ ngày 24/2/2014 đến ngày 30/3/2014. Sau khi hoàn thành công tác bảo trì, các đơn vị liên quan phải có báo cáo kết quả về Cấp có thẩm quyền để theo dõi, quản lý.

Trong quá trình bảo hành, sẽ bố trí người điều khiển giao thông trong suốt thời gian thi công./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục