Kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), chiều 23/11, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, tại thành phố Đà Nẵng, tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử cấp thành phố và Khai mạc phòng trưng bày Văn hóa Chăm tại Bảo tàng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đà Nẵng Nguyễn Trọng Thao cho biết Bảo tàng Điêu khắc Chăm là công trình kiến trúc độc đáo, kết hợp hài hòa, tinh tế các đường nét phong cách kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX và kiến trúc các đền tháp Chăm trên dải đất miền Trung. Đây cũng là nơi lưu giữ bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tôn giáo tiêu biểu trong giai đoạn từ thế kỷ V đến thế kỷ XIV của nền văn hóa Chăm.
Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, Bảo tàng Điêu khắc Chăm gắn với nhiều sự kiện, ký ức của nhiều thế hệ nhân dân thành phố. Trước dịch COVID-19, trung bình mỗi năm Bảo tàng đón khoảng 300.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan.
Việc xếp hạng di tích đối với Bảo tàng Điêu khắc Chăm là cơ sở để các cấp, các ngành nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích, tích cực đóng góp vào các chương trình quảng bá văn hóa và phát triển du lịch trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Trọng Thao cho biết.
Nghệ thuật làm gốm của người Chăm trở thành Di sản Văn hóa Phi vật thể
Nhân dịp này đã diễn ra khai mạc Phòng trưng bày Văn hóa Chăm. Bảo tàng đã cải tạo và nâng cấp phòng trưng bày Văn hóa Chăm, với 6 chủ đề chính gồm đời sống sinh hoạt-Tôn giáo tín ngưỡng-Nhà ở; chữ viết; trang phục; nhạc cụ; lễ hội; làng nghề truyền thống; và trên 150 hiện vật được giới thiệu lần này.
Bên cạnh việc bổ sung thêm hiện vật, Phòng trưng bày được cải tạo, nâng cấp và áp dụng các phương pháp trưng bày mới về bục bệ, ánh sáng, giả lập bối cảnh… giúp du khách có trải nghiệm sinh động, ấn tượng về các nội dung được truyền tải và giới thiệu.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm được khởi công xây dựng từ năm 1915 nhưng đến năm 1919 Bảo tàng mới hoàn thành và mở cửa đón khách tham quan. Bảo tàng ban đầu với tên gọi là Musée Cham, Tourane (Bảo tàng Chàm, Đà Nẵng), là một ngôi nhà hình chữ nhật với diện tích 370m2 được trưng bày như một kho mở với khoảng 160 hiện vật.
Trải qua thời gian hơn 100 năm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đang lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý, trong đó có nhiều hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia như Đài thờ Đồng Dương, tượng thần Ganesha, Đài thờ Mỹ Sơn E1, tượng Bồ tát Tara…
Nơi đây còn được xem là bảo tàng độc nhất vô nhị về nghệ thuật điêu khắc Chămpa, là vốn di sản quý của dân tộc nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng./.