Đá hoa trắng ở Yên Bái và câu chuyện "kẻ ăn ốc, người đổ vỏ"

Yên Bái là tỉnh "giàu có" đá hoa trắng, thế nhưng việc giám sát sản lượng lại chưa được quan tâm, điều này đã khiến nguồn lợi tài nguyên khoáng sản rơi vào tay doanh nghiệp một cách thiếu minh bạch.
Công trường khai thác đá hoa trắng của Công ty trách nhiệm hữu hạn đá cẩm thạch R.K Việt Nam. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo đánh giá của các chuyên gia địa chất khoáng sản, Yên Bái là tỉnh sở hữu nhiều mỏ đá hoa trắng lớn và chất lượng nhất cả nước, với khoảng 30 mỏ và điểm quặng tập trung ở huyện Lục Yên.

Thế nhưng, trên thực tế, việc quản lý giám sát sản lượng khai thác của các doanh nghiệp (doanh nghiệp tự khai báo sản lượng) lại chưa được quan tâm, điều này ít nhiều đã khiến nguồn “tài nguyên trắng” của tỉnh này trôi vào tay doanh nghiệp một cách thiếu minh bạch; trong khi các khoản đóng góp cho địa phương nhiều năm qua chỉ như “muối bỏ bể.”


Thu không bù nổi thiệt hại

Ông Hoàng Thanh Trọng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lục Yên, cho biết địa phương này hiện có 30 doanh nghiệp được cấp khép khai thác khoáng sản chủ yếu trong lĩnh vực vật liệu xây dựng. Trong đó có 2 doanh nghiệp khai thác đá hoa trắng là Công ty trách nhiệm hữu hạn đá cẩm thạch R.K Việt Nam (gọi tắt là Công ty R.K) và Công ty Cổ phần khoáng sản Yên Bái do Ủy ban Nhân dân tỉnh trực tiếp thu các khoản phí và thuế.

28 doanh nghiệp còn lại do Ủy ban Nhân dân huyện trực tiếp thu và trung bình mỗi năm đóng góp khoảng 30% (tương đương với khoảng 20 tỷ đồng) cho ngân sách tại địa phương.

Tuy nhiên, ngoài việc góp phần tăng ngân sách cho huyện, tạo việc làm cho người dân, công tác khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp cũng đã khiến hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông của địa phương xuống cấp nghiêm trọng và môi trường (không khí, đất đá, tiếng ồn) bị ảnh hưởng nặng nề.

Đề cập đến các khoản thu ngân sách, ông Nguyễn Công Ký, Phó Trưởng phòng Tổng hợp nghiệp vụ, dự toán (Cục thuế tỉnh Yên Bái) cho rằng, với tiềm năng lớn về khoáng sản, việc đầu tư phát triển công nghiệp khai thác chế biến đá hoa trắng là hướng đi đúng dắn để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Thế nhưng, thực tế, thu ngân sách từ khai thác khoáng sản lại không tương xứng với thiệt hại về môi trường, xã hội cũng như giá trị của nguồn tài nguyên mà doanh nghiệp khai thác.

Theo ông Ký, nhiều năm qua, một số nguồn thu chính từ khai khoáng chủ yếu dựa trên quá trình đàm phán hợp đồng khai thác, đấu giá, cấp phép hoặc được tính toán dựa trên sản lượng do doanh nghiệp khai báo, nhiều khi thiếu đi sự minh bạch. Thậm chí, nếu các cơ quan quản lý không kiểm soát tốt các thông tin liên quan thì Nhà nước có thể thất thoát nguồn thu từ tài nguyên.

Hoạt động hai thác đá hoa trắng ngay trên đỉnh núi của Công ty R.K. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Đưa ra dẫn chứng, ông Ký cho biết, năm 2013, toàn tỉnh Yên Bái thu thuế của 84 doanh nghiệp khai khoáng được 63,5 tỷ đồng và phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản 35,2 tỷ đồng. Sang năm 2014 nguồn thu này dự kiến đạt khoảng 77,6 tỷ đồng, phí bảo vệ môi trường khoảng 31 tỷ đồng. Như vậy, tổng thu ngân sách của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản chiếm khoảng 15% tổng nguồn thu ngân sách cho tỉnh.

Thế nhưng, điều đáng quan tâm là, lâu nay các khoản thuế và phí là dựa trên sản lượng thương phẩm, điều này đã không khuyến khích các doanh nghiệp tận thu tài nguyên. Nói cách khác, doanh nghiệp chỉ lấy phần nạc, còn phần xương họ đổ ra môi trường, đáng lẽ phần thải bỏ cũng cần phải thu thuế vì trực tiếp gây ô nhiễm môi trường.

“Thêm vào đó, biểu phí thuế xuất đá hoa trắng hiện nay Bộ Tài chính vẫn chỉ áp mức thuế từ 7-9%, ngang bằng đá xây dựng thông thường. Trong khi 1m3 đá hoa trắng doanh nghiệp bán với giá từ 12-16 triệu đồng/m3, nhưng doanh nghiệp họ chỉ nộp phí môi trường 90.000 đồng.

Nếu tính cả các loại thuế khác thì doanh nghiệp chỉ nộp khoảng 1 triệu đồng/m3. Như vậy, tính tất cả các loại chi phí, tối đa doanh nghiệp chỉ chi chưa đến 50% tổng doanh thu. Chưa kể, phần đá thải loại doanh nghiệp thường vứt ra bãi thải, khai thác gây ô nhiễm môi trường, nhưng chính sách lại không đánh vào bãi thải, hay phần đất đá bên ngoài mỏ,” ông Ký phân tích.

Từ những bất cập nêu trên, vị đại diện Cục thuế tỉnh Yên Bái đề nghị khung thu phí môi trường cần phải nâng cao hơn, bởi lợi nhuận khoáng sản mang lại cho doanh nghiệp rất cao, nhưng môi trường bị ảnh hưởng cũng rất nghiêm trọng.

Cần cơ chế giám sát trữ lượng khai thác

Là công ty có quy mô khai thác đá hoa trắng lớn nhất Việt Nam với 3 loại sản phẩm chính là đá khối, đá xẻ tấm lớn và đá cắt theo quy cách, bà Đỗ Thị Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty R.K (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư của Ấn Độ) cho biết, hiện nay, 90% sản phẩm đá khối của công ty đang được xuất khẩu tới 60 quốc gia trên thế giới.

Theo lời bà Hồng, mặc dù doanh nghiệp đang sở hữu mỏ đá lớn, được đánh giá là chất lượng nhất nhì của cả nước, thế nhưng sản lượng khai thác trên thực tế lại thấp, bởi những thông tin trong quá trình đánh giá thăm dò không chính xác.

“Ví dụ như chúng tôi khai thác 100 khối thì chỉ sử dụng được 3 khối. Còn nếu căn cứu theo giấy phép đầu tư của công ty thì trữ lượng đá khối được phép khai thác là 5 triệu m3, đá bột từ 12-15triệu m3, tỷ lệ thu hồi đạt từ 30-35%, thế nhưng, lâu nay chúng tôi chỉ thu hồi được 3-5%,” bà Hồng chia sẻ.

Trái ngược với lời giãi bày của vị Phó Giám đốc Công ty R.K, ghi nhận của đoàn khảo sát báo chí tại moong khai thác số 6 (Công ty R.K), cho thấy những khối đá hoa trắng ước chừng từ 5m3 trở được khai thác và nằm la liệt ngay tại khai trường.

Những khối đá cỡ lớn sau khi cắt xẻ tại khai trường Công ty R.K. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Cùng có mặt tại đây, ông Nguyễn Đồng Hưng, Chánh văn phòng Tổng hội Địa chất Việt Nam, cho rằng với chất lượng và trữ lượng đá hoa trắng như bà Hồng chia sẻ, nếu Công ty R.K khai thác theo kích thước từ 5-10m3/khối đá thì độ thu hồi mới đạt từ 3-5%, trong khi công ty phải tận thu những phiến đá có kích thước 0,4 m3 trở lên. Còn nếu tận thu sản xuất bột nghiền từ đá viên chắc chắn độ thu hồi sẽ đạt 30-35% theo hồ sơ cấp phép.

“Câu hỏi đặt ra là, nếu chỉ số thu hồi của Công ty R.K chỉ đạt 3-5% vậy 95-97% phế phẩm, đá, đất thải sẽ đi đâu, môi trường xử lý như thế nào? Báo cáo đánh giá trữ lượng và hồ sơ xin cấp phép khai thác đều do doanh nghiệp thực hiện và đề xuất khi lập dự án đầu tư. Không lẽ đó là một sai sót trong công tác thăm dò, đánh giá trữ lượng?” ông Hưng băn khoăn.

Nằm cách Công ty R.K khoảng 100m, mỏ đá Đào Lâm thuộc Công ty Cổ phần khoáng sản Yên Bái-doanh nghiệp sử dụng 100% vốn trong nước, tiềm lực tài chính còn hạn chế, quy mô khai thác cũng như trữ lượng được cấp phép chỉ có 411.459m3 với sản phẩm là đá xẻ và đá bột, thế nhưng, công ty này vẫn thể hiện được “bản lĩnh” của đơn vị khai thác đá.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần khoáng sản Yên Bái, cho biết do không được phép xuất khẩu đá khối trực tiếp nên những tấm đá khối thường được công ty xẻ ra để tiêu thụ. Còn đá viên nhỏ, công ty nghiền thành bột để bán cho thị trường trong nước với giá 250.000-300.000 đồng/tấn; thời điểm cao nhất cũng chỉ đạt từ 800.000-900.000 đồng/tấn.

“Xét tổng thể thì chi phí sản xuất đá tấm, đá phiến cao hơn rất nhiều so với xuất khẩu đá khối, bởi việc cắt xẻ này bắt buộc chúng tôi phải đầu tư thêm thiết bị, máy móc. Thêm vào đó, giá thành của đá xẻ cũng thấp hơn rất nhiều so với đá khối. Tuy nhiên, chỉ tiêu thu hồi hàng năm của chúng tôi cũng đạt đến 70%,” ông Nghĩa thành thật.

Về trữ lượng khai thác, ông Nghĩa cho biết, trữ lượng khai thác thực tế thường thấp hơn so với số liệu đánh giá ban đầu khi cấp phép. Mặc dù vậy, từ lúc khai thác đến nay công ty cũng thu được 70% sản phẩm so với sản lượng mỏ, còn 30% là đất đá thải loại (không thu được tiền, phải bỏ đi).

“Thành thật mà nói thì cái cái nghề khai thác đá này cũng như đi đào vàng, gặp thì lãi lớn, còn không may thì cũng chả ăn thua. Tuy nhiên sẽ không có doanh nghiệp nào lỗ, bởi nếu doanh nghiệp nào cũng lỗ thì chả ai dám làm,” ông Nghĩa quả quyết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục