Đà giảm kéo dài, đồng ruble của Nga tiếp tục suy yếu so với đồng USD

Cuộc binh biến do tập đoàn quân sự tư nhân Wagner tiến hành cuối tháng Sáu đã tác động đến các thị trường và đặt ra câu hỏi về tính ổn định chính trị tại Nga. Đây là một lý do khiến đồng ruble rớt giá
Đà giảm kéo dài, đồng ruble của Nga tiếp tục suy yếu so với đồng USD ảnh 1Đồng ruble (bên trái) và đồng USD (bên phải). (Ảnh: Sputnik/TTXVN)

Đồng ruble của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 15 tháng qua và phá mức 93 ruble đổi 1 USD vào ngày 6/7, trước khi phục hồi phần nào.

Đồng tiền này đang chịu nhiều áp lực bởi nhu cầu ngoại tệ mạnh, trong khi đà giảm vẫn kéo dài kể từ cuối tháng Sáu tới nay.

Đến 19 giờ 31 phút (giờ Việt Nam), đồng ruble giảm 1,5% so với đồng USD xuống mức 92,38 ruble đổi 1 USD.

Trước đó cùng phiên, đồng tiền này đã có lúc giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 28/3/2022 là 93,85 ruble đổi 1 USD.

[Đồng ruble của Nga xuống mức thấp nhất trong hơn 15 tháng so với USD]

Đồng ruble cũng giảm 1,5% so với euro, đứng ở mức 100,51 ruble đổi 1 euro, sau khi phá vỡ ngưỡng 102 ruble/euro lần đầu tiên trong hơn 15 tháng.

So với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng ruble lùi 2,5% xuống mức 12,73 ruble đổi 1 Nhân dân tệ.

Các biện pháp kiểm soát vốn đã giúp bảo vệ đồng ruble trước các vấn đề địa chính trị trong hơn 16 tháng kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát.

Nhưng cuộc binh biến do tập đoàn quân sự tư nhân Wagner tiến hành cuối tháng Sáu đã tác động đến các thị trường và đặt ra câu hỏi về tính ổn định chính trị tại Nga.

Phát ngôn viên Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov nói với các phóng viên rằng những diễn biến suy giảm tương tự đã xảy ra vài lần trước đây và đồng ruble cũng phục hồi sau đó.

Theo ông, những biến động như vậy đều có phần tác động đáng kể từ các hoạt động đầu cơ và hiện tại không thể loại trừ điều này.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết động lực liên quan tới ngoại thương là yếu tố quan trọng nhất tác động đến đồng ruble, khi doanh thu từ xuất khẩu giảm và nhập khẩu phục hồi.

Phát biểu tại một diễn đàn tài chính ở St Petersburg, bà Nabiullina nhận định giờ đây, những biến động của tỷ giá hối đoái mang đến rủi ro theo hướng thúc đẩy lạm phát tăng. Ngân hàng Trung ương Nga sẽ cân nhắc đến điều này khi đưa ra các quyết định về lãi suất chủ chốt.

Các nhà phân tích tham gia thăm dò của hãng tin Reuters hồi tuần trước dự kiến Ngân hàng Trung ương Nga sẽ nâng lãi suất khỏi mức 7,5% tại cuộc họp tháng Bảy và tăng thêm một lần nữa vào cuối năm, khi áp lực lạm phát leo thang. Họ cũng nhận định khả năng tăng giá của đồng ruble trong 12 tháng tới là rất hạn chế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục