Giá dầu kéo dài đà giảm trong phiên 23/11 do những nhận định rằng các nhà sản xuất dầu lớn sẽ không cắt giảm sản lượng sâu hơn vào năm tới.
Kỳ vọng này xuất hiện sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) lùi cuộc họp chính sách từ ngày 26/11 sang ngày 30/11.
Phiên này, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 68 xu Mỹ (tương đương khoảng 0,8%) xuống 81,28 USD/thùng sau khi đã giảm tới 4% trong phiên 22/11. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 75 xu Mỹ (1%) xuống 76,35 USD/thùng sau khi giảm tới 5% trong phiên trước đó.
Hoạt động giao dịch khá đình trệ trong phiên này do kỳ nghỉ lễ Lễ Tạ ơn của Mỹ.
Các thị trường đã bị bất ngờ trong ngày 22/11, sau khi OPEC+ thông báo hoãn cuộc họp cấp bộ trưởng dự kiến sẽ thảo luận về việc cắt giảm sản lượng dầu.
Giá dầu châu Á nối dài đà tăng trước khả năng OPEC+ cắt giảm thêm sản lượng
Giá dầu Brent kỳ hạn tăng 11 xu Mỹ, hay 0,1%, lên 80,72 USD/thùng vào lúc 7 giờ 12 phút (theo giờ Việt Nam), trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ tăng 8 xu Mỹ, lên 75,97 USD/thùng.
Các nguồn tin của OPEC+ cho biết, các nhà sản xuất đang gặp khó khăn trong việc thống nhất mức sản lượng trước cuộc họp ban đầu. Phần lớn sự bất đồng có liên quan đến các quốc gia châu Phi, với Angola và Nigeria đang muốn tăng sản lượng dầu.
Ông Phil Flynn, nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Price Futures Group, cho biết đà giảm giá của dầu có vẻ đang quá mức. Thị trường có thể sẽ phục hồi phần nào vào tuần tới khi các nhà giao dịch quay trở lại sau kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn.
Vấn đề về triển vọng nguồn cung của OPEC+ được đưa ra khi dữ liệu cho thấy lượng dầu dự trữ của Mỹ đã tăng 8,7 triệu thùng trong tuần trước, nhiều hơn mức 1,16 triệu mà các nhà phân tích dự kiến.
Về phía cầu, có nhiều tin tức ảm đạm hơn. Đáng chú ý là tình hình tại châu Âu. Một cuộc khảo sát cho thấy tình trạng suy thoái trong hoạt động kinh doanh tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm bớt trong tháng 11.
Tuy nhiên, nhiều khả năng nền kinh tế của khối này sẽ lại suy thoái trong quý hiện thời khi người tiêu dùng tiếp tục hạn chế chi tiêu./.