Đã đến lúc Nhật Bản cần một chiến lược mới trong khu vực

Sự thù địch ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đang buộc Nhật Bản phải cân nhắc lại chiến lược bảo vệ hòa bình và thịnh vượng của mình trong khu vực.
Cờ Nhật Bản. (Nguồn: theflagshop)

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin, sự thù địch ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc đang buộc Nhật Bản phải cân nhắc lại chiến lược bảo vệ hòa bình và thịnh vượng của mình trong khu vực.

Điều này tạo cho Nhật Bản một cơ hội để tận dụng các lợi thế ngoại giao, kinh tế và an ninh của mình để hướng Trung Quốc trở thành một bên liên quan có tính xây dựng trong khu vực.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là làm thế nào xử trí một cách tốt nhất mối quan hệ thù địch Mỹ-Trung để ngăn chặn một sự bất ổn tai hại trong khu vực?

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nhật Bản đã luôn củng cố vai trò an ninh của mình. Sau khi Liên Xô sụp đổ, liên minh Mỹ-Nhật được tái khẳng định thông qua Tuyên bố An ninh Chung Mỹ-Nhật 1996.

Để hỗ trợ cam kết của Mỹ trong khu vực, Nhật Bản đã thiết lập những khuôn khổ pháp lý mới và tăng cường các vai trò và sứ mệnh của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF).

Nhật Bản cũng mở rộng sự hợp tác an ninh với các đồng minh và đối tác của Mỹ như là Australia, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á.

Nhật Bản và Mỹ còn củng cố hợp tác trên các diễn đàn đa phương khu vực. Đối với Nhật Bản, ASEAN+3 là chưa đủ để giảm bớt tình trạng bất ổn trong khu vực bởi chỉ có Nhật Bản và Hàn Quốc là những nền dân chủ có kinh tế phát triển trong nhóm này.

Nhật Bản đã tích cực hành động để mở rộng sự hợp tác thành ASEAN+6 và hiện nay là nhóm ASEAN+8, bao gồm Australia, New Zealand, Ấn Độ, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thế nhưng, chỉ trong 3 năm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gây hại cho tiến trình hợp tác khu vực kéo dài 25 năm. Chính quyền Trump đã rút khỏi chủ nghĩa đa phương, làm suy yếu sự tín nhiệm của Mỹ với tư cách lãnh đạo.

Thậm chí, chính quyền của Tổng thống Trump còn rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương mà chính Mỹ từng ca ngợi là một trụ cột trong chính sách tái cân bằng châu Á và là một cơ chế để xây dựng một trật tự dựa trên các quy tắc.

Chính quyền của Tổng thống Trump cũng đã thất bại trong việc đưa ra những chiến lược thay thế rõ ràng cho sự hợp tác khu vực, làm suy yếu các mối quan hệ liên minh của Mỹ do cách hiểu sai của ông Trump đối với chiến lược triển khai quân sự của Mỹ.

[Cách Nhật Bản thuần phục con rồng châu Á]

Ông coi một sự hiện diện quân sự của Mỹ là một đặc ân đối với các quốc gia sở tại, song ngược lại, chính sự triển khai đó lại tạo điều kiện cho Mỹ duy trì các năng lực phô trương sức mạnh và bảo vệ các lợi ích thiết yếu của mình.

Những đòi hỏi mang tính thiển cận của ông Trump rằng các đồng minh phải gia tăng các khoản chi ở nước sở tại - và những lời đe dọa ngầm rằng Mỹ sẽ từ bỏ các đồng minh - đang làm tổn hại các mối quan hệ đồng minh và ảnh hưởng dài hạn của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này khiến nỗ lực đưa Trung Quốc trở thành một bên liên quan có tính xây dựng trong khu vực càng khó khăn hơn.

Trung Quốc đang trở nên ngày càng hung hăng và sử dụng các chương trình trợ cấp chính phủ như một công cụ chiến lược, chẳng hạn như Sáng kiến "Vành đai và Con đường" hay “chính sách ngoại giao khẩu trang.”

Chủ tịch Tập Cận Bình đang tìm cách ngăn ngừa bất cứ sự bất đồng chính trị nào ở trong nước bằng cách sử dụng công nghệ giám sát và các hệ thống kiểm soát xã hội.

Tuy nhiên, nếu có một chiến lược đúng đắn, vẫn còn cơ hội để thúc đẩy sự hợp tác với Trung Quốc. Khi Trung Quốc nhận ra rằng sự phát triển kinh tế bền vững của họ sẽ là bất khả thi nếu không củng cố sự tương tác với thế giới, họ có thể sẽ cảm thấy buộc phải nới lỏng lập trường với bên ngoài của mình.

Trung Quốc sẽ cần suy nghĩ một cách thận trọng về việc liệu họ có thể duy trì được mãi trong một cuộc đối đầu dai dẳng Mỹ-Trung hay không.

Nỗ lực thúc đẩy Trung Quốc nhận thức được sự cần thiết của việc hợp tác với các nền dân chủ tiên tiến vì sự phát triển kinh tế ổn định của mình có lẽ là đường lối chiến lược duy nhất để thay đổi thái độ của Trung Quốc và hiện thực hóa hòa bình và ổn định khu vực.

Tuy nhiên, Nhật Bản cần có một chiến lược chung với Mỹ để thay đổi Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo là một trong số ít các lãnh đạo thế giới vẫn duy trì được một mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với ông Trump.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Khi ông Abe từ chức, người kế nhiệm ông phải tận dụng được ưu thế này, qua đó thúc đẩy Mỹ hiểu được rằng sự gia tăng thù địch với Trung Quốc có nguy cơ đe dọa nền kinh tế Mỹ và sự ổn định trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời vạch ra một đường lối chiến lược cho sự hợp tác chung. Đường lối này nên bao gồm 3 yếu tố chính:

Thứ nhất, Nhật Bản và Mỹ cần phải yêu cầu Trung Quốc tôn trọng sự minh bạch và luật pháp ở Hong Kong, vốn tồn tại dựa trên nền tảng hệ thống luật của Anh dưới hình mẫu “một nước, hai chế độ.” Sự minh bạch và luật pháp bị suy yếu tại Hong Kong có nguy cơ phá hủy hệ thống thị trường tự do của Hong Kong.

Thứ hai, cần phải ngăn chặn những động thái khiêu khích quân sự của Trung Quốc. Sự hợp tác an ninh Mỹ-Nhật cần được duy trì và củng cố để liên minh tiếp tục là trụ cột trung tâm bảo đảm sự ổn định cho khu vực.

Ngoài ra, Mỹ và Nhật Bản cũng nên tiếp tục củng cố sự hợp tác an ninh đa tầng với các đối tác khác, trong đó có Australia, Ấn Độ, các nước ASEAN và Hàn Quốc.

Thứ ba, sự tham gia thường xuyên của tất cả các bên vào các diễn đàn đối thoại khu vực là điều cần thiết để có thể đưa Mỹ trở lại chủ nghĩa đa phương và để có thể hợp tác tích cực với Trung Quốc.

Các diễn đàn khu vực mang ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì đối thoại, ngăn ngừa sự hiểu sai, củng cố sự xây dựng niềm tin và đẩy mạnh hợp tác trong các khu vực lợi ích chung.

Mỹ và Nhật Bản nên bố trí các cuộc đối thoại với Trung Quốc về các vấn đề nhạy cảm mà các diễn đàn đa phương có thể chưa đề cập được một cách thỏa đáng.

Những cuộc tranh luận tại Nhật Bản xung quanh cách tiếp cận của nước này với Trung Quốc diễn ra vào một thời điểm quan trọng: nội bộ Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền đang tranh luận về thời điểm bố trí lại chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình - vốn bị hoãn từ tháng Tư vừa qua vì đại dịch COVID-19, thậm chí một số còn lập luận rằng nên hủy bỏ sự kiện này vì tình hình ở Hong Kong…

Đây là lúc mà Nhật Bản cần phát triển một chiến lược chung mới với Mỹ để đối phó với những biến động sâu sắc sẽ xuất hiện trong một trật tự khu vực thời hậu COVID-19.

Chiến lược này cần tập trung vào việc cải thiện tình trạng đối đầu Mỹ-Trung và đưa khu vực quay trở lại thành một môi trường hòa bình và thịnh vượng chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục