Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII mới đây của Bộ Công Thương trình Chính phủ, ngành điện đặt ra lộ trình cắt giảm điện than mạnh mẽ để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí.
Nhiều chuyên gia đánh giá, đây sẽ là cơ hội cho ngành điện gió ngoài khơi phát triển.
Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá, cơ bản các phương án tính toán trong dự thảo đã tối ưu. Tổng quy mô công suất nguồn điện phát triển đến năm 2030 dự kiến khoảng 146.000MW, giảm khoảng 35.000MW so với dự thảo trình ngày 26/3/2021. Công suất cực đại đến năm 2030 vào khoảng 93.000MW.
Tại bản dự thảo lần này, đến năm 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% công suất nguồn điện than, trong khi điện gió, điện Mặt Trời chiếm 50,7%, đảm bảo các cam kết về chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường.
Nhiều đánh giá của tổ chức quốc tế và chuyên gia cho rằng, Việt Nam có lợi thế bờ biển cùng tiềm năng về năng lượng điện gió, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Nhờ có nguồn gió mạnh, các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam có thể đạt hệ số công suất hơn 50%, tương đương với thủy điện.
Ông Mark Hutchinson, Chủ tịch nhóm công tác khu vực Đông Nam Á của GWEC khẳng định: "Việt Nam hoàn toàn thể hướng tới con số 10GW điện gió ngoài khơi ở mục tiêu đến năm 2030. Việc triển khai được nguồn năng lượng này sẽ giúp Việt Nam "an toàn" hơn trước những rủi ro của thị trường nguyên liệu thế giới vốn được dự báo còn nhiều biến động trong thời gian tới. Trong khi điện gió trên bờ và điện Mặt Trời đang chưa giải quyết được vấn đề lưu trữ, lưới truyền tải còn hạn chế...."
[Họp bàn về Quy hoạch điện VIII: Giảm triệt để phát thải khí CO2]
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, điện gió trên bờ và điện Mặt Trời thường gặp những hạn chế từ địa hình, địa thế khi lắp đặt và vận hành, ví dụ như hướng, nền đá cứng, lối vào... có thể ảnh hưởng đến vị trí thi công dự án, làm gia tăng rủi ro ở các khía cạnh khác như sự ổn định nền đất và xung đột với cộng đồng quanh khu vực dự án. Do đó, trong tương lai, điện gió ngoài khơi sẽ là loại hình năng lượng sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ.
Đánh giá của Hiệp hội Năng lượng sạch cũng cho hay với các dự án năng lượng tái tạo, việc kết nối lưới điện rất quan trọng và với các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn, cơ sở hạ tầng phù hợp là rất cần thiết. Nhiều dự án điện gió trên bờ và điện Mặt Trời thường có hệ số công suất hàng năm thấp
Các dự án này, với quy mô vừa và nhỏ, thường xuyên được đấu nối vào lưới điện quốc gia ở cấp điện áp thấp, trong khi điện gió ngoài khơi có thể cung cấp hệ số công suất hàng năm lớn hơn nhiều và có thể kết nối ở điện áp cao hơn 220kV và 500kV.
Ông Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng sạch cho rằng so với gió trên bờ, chất lượng và độ ổn định của gió ngoài khơi thường tốt hơn, đặc biệt là ở khu vực Bình Thuận và Ninh Thuận - nơi mà nguồn tài nguyên gió ngoài khơi được đánh giá là có chất lượng tốt hơn so với gió trên bờ. Các tuabin gió có kích thước lớn hơn giúp dự án điện gió ngoài khơi đạt được hệ số công suất hàng năm cao vượt trội.
Đơn cử như Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, Thanglong Wind tại tỉnh Bình Thuận, dự kiến sẽ có tổng công suất hàng nghìn MW sau khi đi vào vận hành hoàn chỉnh. Những dự án này tương đương việc cung cấp điện cho hàng chục triệu hộ gia đình Việt hàng năm. Việc đấu nối các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn như vậy có nhiều lợi thế hơn so với các nguồn năng lượng tái tạo khác, do tránh được nhiều hạn chế đáng kể mà các dự án năng lượng tái tạo trên bờ đang gặp phải, chẳng hạn như yêu cầu diện tích đất đai rất lớn, tác động cảnh quan và tầm mắt, tiếng ồn/độ rung trong quá trình xây dựng và vận hành...
Ông Stuart Livesey, Giám đốc Quốc gia của COP tại Việt Nam, Tổng giám đốc dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho hay các dự án điện gió ngoài khơi quy mô lớn có thể tạo ra một lượng điện năng đáng kể với tỷ lệ khả dụng cao hơn so với các dạng năng lượng tái tạo trên bờ khác. Việc tăng cường sản xuất năng lượng từ gió ngoài khơi và hướng tới kích thích phát triển kinh tế cho địa phương và đất nước, cần được hỗ trợ bằng việc nâng cấp lưới điện và cần được cân nhắc kỹ lưỡng từ sớm. Việt Nam cần có kế hoạch chiến lược cụ thể và mức tài trợ thích hợp để cho phép hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo nhiều hơn.
Hiện nay, nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính toàn cầu đã ưu tiên cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Do đó, đối với các nhà phát triển giàu kinh nghiệm và có năng lực, việc huy động vốn sẽ thuận lợi hơn trong xu thế chung của toàn cầu nhằm mục tiêu giảm khí thải. Các quốc gia mà ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi đã phát triển cho thấy mức độ đầu tư cao vào công nghệ của ngành này.
Trên toàn cầu, ngày càng có nhiều cam kết nhằm giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon bằng cách thúc đẩy năng lượng tái tạo. Các chuyên gia cho rằng, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP 26 về việc đạt phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được nếu có các khuôn khổ pháp lý và chính sách hỗ trợ phù hợp.
Dù được nhiều kỳ vọng phát triển, song hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có quy định, hướng dẫn chi tiết về việc cho phép khối tư nhân đầu tư lưới truyền tải điện. Các nhà phát triển dự án cho rằng những quy định rõ ràng hơn trong vấn đề này sẽ giúp họ đưa ra quyết định đầu tư toàn bộ hoặc một phần vào xây dựng đường dây/nâng cấp lưới điện với sự hợp tác chặt chẽ với đơn vị vận hành để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo các dự án có thể được thực hiện đúng thời hạn.
Sự chậm trễ trong xây dựng và kết nối lưới điện, tính bất định trong việc bắt buộc cắt giảm công suất phát do cơ sở hạ tầng và quản lý nhu cầu chưa đủ đáp ứng có thể trở thành rủi ro lớn đối với nhà phát triển, khiến họ trì hoãn cam kết cho đến khi có thêm sự chắc chắn trong quá trình thực hiện.
Theo các chuyên gia năng lượng, thông thường, điểm đấu nối của một dự án điện gió ngoài khơi được đặt càng gần với điểm kết nối lưới điện trên bờ càng tốt. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được và chiều dài cáp trên bờ tính từ nơi tiếp xúc đất liền cho đến trạm biến áp trên bờ có thể khá lớn.
Để khắc phục vấn đề này, các nhà phát triển có kinh nghiệm có thể xem xét đầu tư xây dựng, nâng cấp một phần của hệ thống truyền tải điện cao thế. Điều này có thể đảm bảo việc nâng cấp kịp thời và hiệu quả hơn để nâng cao khả năng truyền tải của lưới điện khu vực, củng cố hệ thống, giảm thiểu rủi ro và tránh việc cắt giảm công suất điện.../.