Đa dạng hóa và chuyển hướng để xuất khẩu gạo Việt Nam vươn xa

Luôn giữ vững vị trí tốp 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, tuy nhiên, để xuất khẩu gạo tăng trưởng cao hơn, Bộ Công Thương đang đặt ra mục tiêu đa dạng hóa và chuyển hướng thị trường.
Đa dạng hóa và chuyển hướng để xuất khẩu gạo Việt Nam vươn xa ảnh 1Dây chuyền đóng gói sản phẩm gạo xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Luôn giữ vững vị trí tốp 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, gạo Việt Nam hiện đã có mặt tại ở gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ với các sản phẩm khá đa dạng gồm gạo hạt dài, hạt ngắn, gạo thơm, gạo đồ, gạo hữu cơ...

Đáng chú ý, gạo Việt bước đầu đã thâm nhập được vào những thị trường có yêu cầu cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU...

Tuy nhiên, để xuất khẩu gạo tăng trưởng cao hơn trong thời gian tới, Bộ Công Thương đang đặt ra mục tiêu đa dạng hóa và chuyển hướng thị trường. Do đó, bên cạnh việc xây dựng và quảng bá cho hạt gạo Việt, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cũng liên tục diễn ra nhằm đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường mới và tiềm năng.

Còn nhiều bất cập

Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng Chín, cả nước xuất khẩu 4,89 triệu tấn gạo, thu về 2,46 tỷ USD, tăng 5,9% về lượng và tăng 20,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng lưu ý, riêng tháng Chín xuất khẩu 360.188 tấn, thu về 173,94 triệu USD, giảm mạnh 40,6% về lượng và giảm 41,4% về kim ngạch so với tháng liền kề trước đó.

Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu trung bình trong chín tháng đạt 502,8 USD/tấn, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017 và thị trường tập trung chủ yếu ở châu Á với tỷ trọng chiếm tới trên 60%. Ngoài châu Á, tỷ trọng xuất khẩu gạo sang châu Phi là 22%, châu Mỹ 8%, châu Âu 5% và khu vực khác 5%.

[Việt Nam tìm kiếm đầu tư nhằm cải thiện năng suất xuất khẩu nông sản]

Mặc dù đạt được những thành quả nhất định, nhưng theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại như khối lượng xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thu được không cao; sản phẩm chưa có thương hiệu, chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của thị trường. Cùng với đó, khâu tổ chức thu mua, chế biến, tạm trữ, bảo quản thóc, gạo còn nhiều bất cập.

Đơn cử, sản phẩm gạo xuất khẩu dù khối lượng lớn nhưng phẩm cấp trung bình, phẩm cấp thấp là chủ yếu nên giá trị đem lại chưa thực sự cao. Bên cạnh đó, chất lượng hạt gạo chưa đồng đều. Điều này liên quan đến quy trình canh tác khi quy trình canh tác quá manh mún, sử dụng các loại giống khác nhau.

Ngoài ra, mối liên kết giữa các đơn vị tham gia vào hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo chưa thực sự bền chặt. Giữa người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo chưa có quan hệ gắn bó dẫn tới việc khi thị trường thế giới có biến động sẽ gây ảnh hưởng đến việc thu mua gạo của bà con nông dân.

Hơn nữa, năng lực tiếp cận, thâm nhập thị trường, marketing, đàm phán ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các thương nhân kinh doanh, xuất gạo còn hạn chế.

Đa dạng hóa và chuyển hướng để xuất khẩu gạo Việt Nam vươn xa ảnh 2Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: TTXVN/phát)

Không những thế, các sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa được phần lớn người tiêu dùng cuối cùng tại các nước biết đến. Người tiêu dùng cuối cùng chủ yếu biết đến gạo Việt thông qua một thương hiệu khác hoặc sản phẩm gạo đã được chế biến.

Ông Phan Văn Chinh cũng chỉ ra một thực tế nữa là thời gian gần đây, không ít rào cản, nhất hàng rào phi thuế quan đã xuất hiện, tác động không nhỏ tới xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Điển hình là câu chuyện thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc đã duy trì chế độ nhập khẩu chặt chẽ thông qua hạn ngạch, kiểm tra an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.

Không chỉ Trung Quốc, xu thế này cũng được các nước khác áp dụng, buộ doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt hơn.

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ khác điều này sẽ góp phần tạo động lực giúp doanh nghiệp Việt Nam phải cọ sát, nâng cao sức cạnh tranh bằng chất lượng và tính chuyên nghiệp với các đối thủ khác Thái Lan, Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar...

Đồng bộ giải pháp

Đại diện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời, chia sẻ muốn gạo Việt có thương hiệu, cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, điều quan trọng là phải áp dụng phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững.

Theo ông Huỳnh Văn Thòn, chỉ có áp dụng quy trình chuỗi chất lượng gạo sẽ được kiểm soát chặt chẽ và tạo ra sự tin tưởng. Tuy nhiên, để làm được điều này, rất cần sự hỗ trợ hơn nữa của nhà nước để có thể phối hợp chặt chẽ với người nông dân cũng như các nhà nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra vùng sản xuất rộng lớn.

Đa dạng hóa và chuyển hướng để xuất khẩu gạo Việt Nam vươn xa ảnh 3Đóng bao sản phẩm gạo xuất khẩu tại công ty Lương thực Sông Hậu, Cần Thơ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Hiện tại, Tập đoàn Lộc Trời đang đưa ra thị trường một sản phẩm mới là gạo Vibigaba - gạo thực phẩm bổ sung, được Bộ Y tế công nhận chất lượng và thành phần tương tự như một loại thực phẩm chức năng.

Hoặc, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long đang đầu tư mạnh cho hạt gạo Japonica hạt tròn, chuyên xuất khẩu sang Hàn Quốc với giá rất ổn định. Những hướng đi này đã giúp đa dạng hóa thị trường và bền vững hơn trong việc xuất khẩu.

Bà Dương Ngọc Mai, đại diện Vụ thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng muốn khẳng định vị thế của gạo Việt Nam, Việt Nam cần thay đổi tư duy cũ - thay vì cung cấp gạo mà Việt Nam có, sắp tới Việt Nam có thể cung cấp nhiều chủng loại gạo ngon mà thị trường nhập khẩu cần.

Để làm được điều này, doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần nghiên cứu, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao của Việt Nam. Cùng với đó, tập trung các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao theo các thị trường lớn.

Chẳng hạn với thị trường Trung Quốc cần thúc đẩy quan hệ thương mại gạo theo hướng ổn định, bền vững, hiệu quả. Củng cố, duy trì thị phần gạo Việt Nam trong cơ cấu nhập khẩu gạo của Trung Quốc ở mức cao.

Đối với thị trường Đông Bắc Á, tăng cường quảng bá sản phẩm gạo chất lượng cao và hợp tác chặt chẽ với các nước để tăng khả năng trúng thầu trong đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu của các nước.

Riêng với thị trường châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương tập trung xuất khẩu gạo chất lượng cao, gạo sạch để nâng dần giá trị sản phẩm. Chẳng hạn như tăng sản lượng vào Hoa Kỳ từ 5% năm 2020 lên 6-7% năm 2030, thị trường Australia từ 9% năm 2020 lên 11-12% vào năm 2030...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phát triển các thị trường khác, đặc biệt là khu vực châu Phi, Trung Đông, các nước Tây Á, Nam Á. Tiếp theo đó là khu vực thị trường châu Âu bao gồm các nước EU, Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ.

Bởi theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, đây là khối thị trường khá tiềm năng. Dù khối lượng gạo tiêu thụ có thể không lớn bằng các thị trường đã nói ở trên song khu vực thị trường này có thể tiêu thụ các loại gạo cao cấp của Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2030, thị trường châu Á còn 50%, châu Phi 25%, châu Mỹ 10%, châu Âu 6% và khu vực khác 9%.

Ngoài ra, bên cạnh những nỗ lực từ phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng hải cũng khuyến nghị Chính phủ, Bộ ngành, hiệp hội cũng như các doanh nghiệp phải đồng bộ từ khâu thay đổi quy trình sản xuất để tạo ra hạt gạo có giá trị thương mại lớn cho đến khâu xây dựng thương hiệu, thúc đẩy liên kết giữa người sản xuất và người kinh doanh... Tất cả các yếu tố này sẽ tạo đà cho hạt gạo Việt có thể đi ra thị trường một cách bền vững và ổn định hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục