Năm nay, du lịch Việt Nam đang đứng trước bước phát triển mới nhờ những dấu ấn đạt được trong năm 2016, đặc biệt là Bộ Chính trị vừa ra Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Mặc dù vậy, để hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra, ngành du lịch vẫn còn nhiều vấn đề cần phải thực hiện.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Trung Lương, nguyên Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
- Những năm gần đây và nhất là từ năm 2016, ngành du lịch Việt Nam đã có sự bứt phá đáng kể. Ông có thể đánh giá khái quát về những kết quả nổi bật của ngành du lịch trong năm qua?
Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Trung Lương: Năm 2016 đúng là có nhiều sự kiện với ngành du lịch Việt Nam vì trong một quãng thời gian dài, chưa bao giờ du lịch Việt Nam đạt nhiều kỷ lục như vậy.
Du lịch Việt Nam đã đạt kỷ lục về tăng trưởng lượng khách. Lượng khách tuyệt đối so với năm trước đã tăng hơn 2 triệu khách.
Ngành đã đạt một số chỉ tiêu cụ thể như: đón 10 triệu lượt khách quốc tế; 62 triệu khách du lịch trong nước; doanh thu trên 400.000 tỷ đồng; tạo trên 1,7 triệu việc làm cho xã hội (trong đó gần 800.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch).
Sự phát triển du lịch thực sự đã tạo cú huých cho các ngành kinh tế liên quan phát triển như thương, mại, vận tải
Bên cạnh đó, năm 2016 một kết quả quan trọng khác phải kể đến là sự cải thiện trong chính sách phát triển du lịch. Cụ thể là Luật Du lịch (sửa đổi) đã được trình bản thảo và sắp được Quốc hội thông qua.
- Theo ông những nhân tố nào dẫn tới sự tăng trưởng hơn kỳ vọng của ngành du lịch trong thời gian qua?
Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Trung Lương: Ngành du lịch đạt tăng trưởng hơn kỳ vọng do nhiều nhân tố.
Thứ nhất, ngành du lịch đã có sự nỗ lực trong suốt quãng thời gian dài và nhất là năm 2016. Sự nỗ lực ấy thể hiện không chỉ bằng văn bản, chính sách mà bằng các hành động cụ thể từ Trung ương đến địa phương.
Các tỉnh, thành cũng đã có nỗ lực thúc đẩy du lịch của địa phương mình, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc trưng của từng vùng miền nên tạo sự hấp dẫn rất lớn cho du khách.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tăng cường tính liên kết liên ngành liên vùng và khu vực, điều mà trước đây chưa làm được nhiều.
Thứ hai, tôi cho rằng sự phát triển của du lịch là do một số chính sách ban hành trước đó đã phát huy hiệu quả vì các chính sách thường có độ trễ nhất định.
Cụ thể, như năm 2015 chúng ta bãi bỏ thị thực cho một số nước và việc cho phép Việt kiều được miễn thị thực. Đây là những chính sách đột phá và đã phát huy hiệu quả trong năm 2016.
Ngoài ra, một nhân tố khác phải kể đến là Việt Nam vẫn giữ được là một điểm đến an toàn của du khách trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn.
- Theo số liệu Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương, trong 90% khách quốc tế đến Việt Nam lần đầu và chỉ 6% trong số này quay lại. Theo ông, số liệu này nói lên điều gì?
Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Trung Lương: Mới nhìn số liệu này thấy hơi buồn, tuy nhiên chúng ta cũng không nên quá bi quan về câu chuyện này.
Điều này cũng dễ hiểu vì nếu chúng ta đi thăm quan chỉ đi một lần thôi, lần hai chúng ta sẽ đi nơi khác để trải nghiệm.
Việc quay lại hay không phụ thuộc vào nhiều vấn đề khác như loại hình du lịch. Tuy nhiên, qua câu chuyện này cũng không nên chủ quan vì du lịch của chúng ta chưa đủ hấp dẫn và chưa thực sự tao sức thu hút để khách du lịch quay trở lại.
Chính vì vậy, chúng ta cần mở thêm nhiều loại hình du lịch như du lịch MICE, du lịch hội thảo, du lịch mua sắm…
- Ngày 16/1, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ông thấy thế nào về những mục tiêu đã đề ra?
Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Trung Lương: Chúng tôi cho rằng đó là những mục tiêu thực sự Việt Nam mong muốn và hướng tới. Tuy nhiên đứng về góc độ nghiên cứu, để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và chiếm 10% GDP còn rất nhiều vấn đề cần đặt ra.
Năm 2016, năng lực cạnh tranh về du lịch của Việt Nam mới chỉ đứng thứ 75/141 nước được điều tra về năng lực cạnh tranh.
Năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thua cả Indonesia và Thái Lan, Malaysia. Nên đây là vấn đề tương đối khó và chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn và cấn có kế hoạch rất cụ thể để đạt các mục tiêu trên.
- Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng nêu rõ, du lịch phải bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Theo ông, cần giải pháp gì để thực hiện được điều này?
Phó giáo sư-tiến sỹ Phạm Trung Lương: Du lịch không thể phát triển độc lập được. Chúng ta cần có sự đồng lòng của toàn xã hội, sự vào cuộc của các cấp, các ngành.
Đầu tiên, tôi cho rằng nhận định xã hội phải thay đổi một cách cơ bản, nhất là ở cấp ra chính sách.
Bên cạnh đó, phải có những thay đổi trong quan điểm phát triển của ngành du lịch. Lâu nay chúng ta chỉ nhìn vào lượng khách du lịch để đánh giá, chỉ nhìn vào bề nổi của sự tăng trưởng mà chưa chú ý đến chất lượng tăng trưởng.
Vấn đề chất lượng tăng trưởng du lịch là ở chỗ làm sao có thể kéo dài thời gian lưu trú của khách hơn, tăng mức chi tiêu của khách, hay tạo nhiều việc làm hơn…. Chính vì vậy, theo tôi, du lịch cần phát triển bền vững không nên chạy đua phát triển.
Xin cảm ơn ông!