Đa dạng hóa hoạt động hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao

Giai đoạn 2016-2020, khối cơ quan báo chí TW đã hỗ trợ 1.850 lượt tác giả với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng; 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố nhận được trên 31 tỷ đồng kinh phí Ngân sách Nhà nước.
Hội Nhà báo Việt Nam hỗ trợ trực tiếp cho 4.650 lượt tác giả là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam ở các địa phương; tổ chức 330 lớp bồi dưỡng ngắn hạn nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí. (Ảnh do AI tạo ra từ Bing Image Creator)

Việc hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã tạo được sự đồng thuận, gắn kết thi đua trong báo giới, góp phần cho ra đời nhiều tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt của đời sống xã hội.

Qua từng giai đoạn, kinh phí được cấp hàng năm đã được tăng thêm nhưng vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế sáng tạo tác phẩm.

Từ nguồn hỗ trợ đó, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam có thêm điều kiện, động lực mới để tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên-nhà báo hăng say sáng tác. Nhiều bài viết ngày càng giàu tính chiến đấu, tính giáo dục, định hướng tư tưởng chính trị cao, góp phần ổn định, phát triển xã hội, qua đó khẳng định rõ hơn vai trò, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân của người làm báo.

Bên cạnh nguồn động viên này, mỗi cấp Hội Nhà báo, cơ quan báo chí đã luôn nỗ lực vượt khó, đầu tư để tạo nên các tác phẩm báo chí tốt, góp phần nâng cao chất lượng Giải Báo chí Quốc gia, các Giải Báo chí toàn quốc và nhiều Giải Báo chí của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Tạo luồng sinh khí mới trong hoạt động báo chí

Là Hội Nhà báo địa phương có số lượng hội viên đông nhất cả nước, Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh luôn quan tâm, coi việc đầu tư cho các tác phẩm báo chí chất lượng cao là vấn đề cốt lõi, cơ bản, quyết định đến đà tăng trưởng của hoạt động báo chí giai đoạn mới.

Nhà báo Dương Vũ Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hàng năm, Hội Nhà báo Thành phố căn cứ theo Hướng dẫn của Hội Nhà báo Việt Nam để triển khai hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao đến các Liên Chi hội, Chi hội Nhà báo cơ sở trực thuộc. Kinh phí hỗ trợ được Hội dành chủ yếu cho tác phẩm báo chí và công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Các năm 2021-2022, Hội tập trung toàn bộ kinh phí này cho việc hỗ trợ tác các phẩm báo chí chất lượng cao.

Chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị, Nhà báo Nguyễn Thế Phương, Phó trưởng Phòng Thời sự, Đài Phát thanh-Truyền hình Bắc Giang, cho biết từ kinh phí hỗ trợ của Chính phủ đối với hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, Đài đã có thêm nguồn lực, động lực để động viên phóng viên, hội viên sáng tạo các tác phẩm báo chí chất lượng. Đây được coi là nguồn sinh khí, giải pháp để Đài đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình.

Các tác phẩm được hỗ trợ là những tác phẩm tiêu biểu ở các thể loại và loại hình báo chí, có tính phát hiện, được dư luận quan tâm, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, có sự đầu tư công phu với nhiều thiết bị, công cụ hỗ trợ làm phát thanh, truyền hình hiện đại.

Việc hỗ trợ đã mang lại đã tạo khí thế thi đua sáng tạo tác phẩm báo chí, khích lệ hội viên chủ động trong việc bám sát cơ sở, lĩnh vực, dư luận để nhanh chóng phát hiện đề tài sản xuất các chương trình.

Động lực này đã tạo ra những kinh nghiệm quý về nghiệp vụ báo chí, góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ, tiếp tục sáng tạo những tác phẩm có chất lượng cao hơn nữa.

Với Đài Phát thanh-Truyền hình Bắc Giang, động lực này còn được thể hiện rõ trong hoạch định chiến lược phát triển, chính sách đầu tư, tìm kiếm mô hình phát triển và tác nghiệp hằng ngày của phóng viên, hội viên. Đây chính là cơ sở để xây dựng một cơ quan báo chí địa phương chuyên nghiệp, hiện đại.

Theo thống kê của Hội Nhà báo Việt Nam, giai đoạn 2016-2020, khối các cơ quan báo chí Trung ương đã hỗ trợ 1.850 lượt tác giả với tổng kinh phí trên 20 tỷ đồng; 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố nhận được trên 31 tỷ đồng kinh phí Ngân sách Nhà nước hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao.

Hội Nhà báo Việt Nam hỗ trợ trực tiếp cho 4.650 lượt tác giả là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam ở các địa phương; tổ chức 330 lớp bồi dưỡng ngắn hạn nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ báo chí.

Việc hỗ trợ đã tạo ra những kinh nghiệm quý về nghiệp vụ báo chí, góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ, tiếp tục sáng tạo những tác phẩm có chất lượng cao. (Nguồn: Ảnh do AI tạo ra từ Leonardo.Ai)

Nhận định về hiệu quả của chương trình, ông Phan Toàn Thắng, Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam, cho biết việc Chính phủ tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã động viên, khích lệ lớn đối với hội viên, nhà báo. Các cấp Hội có thêm điều kiện, động lực mới để tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên hoạt động báo chí. Đây thực sự là luồng sinh khí mới trong hoạt động báo chí cả nước.

Thực tế cho thấy các tác phẩm đoạt giải cao (A,B,C) của Giải Báo chí Quốc gia những năm qua đều là tác phẩm đã được hỗ trợ. Các Liên chi hội, Chi hội Nhà báo ở Trung ương, Hội Nhà báo địa phương chủ động thực hiện đúng quy định trong hướng dẫn của Trung ương Hội.

Dù kinh phí hỗ trợ còn thấp, hoạt động hỗ trợ mới tập trung ưu tiên một số ít tác giả tác phẩm với một số mảng đề tài, quá khiêm tốn đối với người làm nghề báo (nhất là báo hình) chưa phát huy được hết tiềm năng của người làm báo Việt Nam, nhưng có ý nghĩa động viên sâu sắc. Nhiều hội viên, nhà báo có tác phẩm được hỗ trợ, là các tác phẩm tiêu biểu có tác động tích cực đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là công cuộc đổi mới của đất nước, ông Phan Toàn Thắng cho biết.

Nâng cao trình độ, bắt kịp xu thế làm báo hiện đại

Dù vậy, việc triển khai nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao nảy sinh nhiều bất cập.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Sơn La Đinh Anh Đức cho biết kinh phí chi hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí không có hướng dẫn thống nhất từ Trung ương đến địa phương, phải qua nhiều khâu thẩm định trung gian giữa các bộ, sở, ngành liên quan, dẫn đến không kịp thời, không đủ điều kiện chi theo nguyên tắc tài chính.

Hội Nhà báo tỉnh Sơn La kiến nghị Trung ương Hội vận dụng linh hoạt, đa dạng việc hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao cho hội viên. Việc đăng ký đề tài từ đầu năm không phù hợp với bối cảnh sự việc luôn thay đổi, cùng với việc báo chí luôn phải cập nhật thông tin mới trên nền tảng số như hiện nay, cần đổi mới nội dung, phương pháp thể hiện sao cho phù hợp, tập trung vào đề tài mới mang tính phát hiện, được dư luận xã hội quan tâm, có sức lan tỏa trong đời sống xã hội.

Đồng thời, nếu Hội Nhà báo tỉnh không đủ điều kiện để thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, Trung ương Hội có thể xây dựng chương trình hỗ trợ khác, như chuyển nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao hàng năm thành kinh phí hỗ trợ để hội địa phương có thêm nguồn lực hoạt động; hỗ trợ mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, phổ cập chuyên sâu giúp các hội viên nhà báo của tỉnh ít có điều kiện tham gia các lớp tập trung, cơ hội hoàn chỉnh bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, nâng cao trình độ, bắt kịp theo xu thế làm báo hiện đại như hiện nay, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Sơn La kiến nghị.

Theo nhiều ý kiến, bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí, cần chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các phóng viên, hội viên, biên tập viên về chuyên môn nghiệp vụ. Việc bồi dưỡng này trọng tâm về phương pháp làm báo hiện đại, đa năng với loại hình đa dạng, góp phần hướng đến việc có những tác phẩm báo chí thật sự chất lượng, có thể cạnh tranh, chiến thắng tại các giải báo chí quốc gia. Cùng đó, cần có những định hướng của các ban biên tập, tòa soạn, cũng như sự dấn thân, không ngại khó khăn, vất vả, thậm chí hiểm nguy của đội ngũ phóng viên-nhà báo.

Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus (TTXVN), cho rằng để tạo ra một sản phẩm báo chí chất lượng cao, trước hết, mỗi ban biên tập, tòa soạn báo đóng vai trò quan trọng định hướng, chỉ đạo về nội dung, vấn đề thời sự, bàn bạc, thống nhất, giao nhiệm vụ cho các phòng, phóng viên. Tiếp đó, cần chọn được chủ đề, đề tài, phản ánh đúng vấn đề của thực tiễn đời sống. Đây là yếu tố giữ vai trò then chốt, cơ sở tạo nên các tác phẩm đặc sắc "ra tấm ra món" có sức tác động đến công chúng và tạo ra hiệu ứng xã hội. Khi chọn được đề tài gai góc, cái mới, phát hiện thì định hướng nội dung cũng cần phải rất sắc bén, nắm bắt đúng tính thời sự, làm sao để tác phẩm nói đúng suy nghĩ, tình cảm của dư luận cũng như có tác động cổ vũ xã hội tích cực.

Bên cạnh đó, phóng viên phải đi tới tận cùng sự thật, "mổ xẻ" tới tận gốc rễ, phân tích nguyên nhân sâu xa dẫn tới thực trạng, lỗ hổng từ chính sách đến vấn đề thực thi, đưa ra được hướng giải quyết, hiến kế mới trong quản lý, đưa "thông tin" chạm tới bàn của cơ quan quản lý, nhà hoạch định chính sách để tạo ra sự thay đổi. Sau mỗi loạt bài được phản ánh, cần luôn theo dõi, hướng tới sự vào cuộc xử lý của cơ quan chức năng, để xem những bài viết có tác động tích cực gì cho xã hội.

Bên cạnh đó, không thể thiếu sự chủ động đi sâu tìm tòi, dấn thân của phóng viên. Để có tác phẩm chất lượng là cả một hành trình không hề dễ dàng, thậm chí nguy hiểm, nhất là đến những "điểm nóng." Khi viết, phóng viên luôn phải đặt câu hỏi “Vì sao,” “Lý do là gì,” Bất cập? kẽ hở gì? Đâu là lỗ hổng? Tác nghiệp cần thủ pháp, kỹ năng gì?

Chính sự năng động "săn tin," lăn lộn với thực tế kết hợp với sự nhạy bén của phóng viên mới có thể phát hiện ra, từ đó tìm ra lời giải đúng định hướng, đề xuất cách giải quyết hợp lý.

Ngoài ra, để có tác phẩm chất lượng, cần đầu tư cho việc rút tít, chọn "chi tiết đắt" trong tác phẩm; thể hiện ngôn ngữ phù hợp với từng thể loại báo chí; trình bày tác phẩm sáng tạo; chọn tư liệu và tham khảo từ những bài viết tốt, ông Trần Tiến Duẩn chia sẻ kinh nghiệm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục