Đa dạng hóa các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong từng lĩnh vực

10 năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, bố trí nguồn kinh phí đảm bảo triển khai các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong từng ngành, từng lĩnh vực.
Chương trình "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới" được tổ chức tại Quân Đoàn 4, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Chương trình "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới" được tổ chức tại Quân Đoàn 4, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chiều 26/2, Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện “Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2011-2020” và Sơ kết 4 năm thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2017-2020” trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, trên cơ sở Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, thành phố đã xây dựng 7 mục tiêu và 26 chỉ tiêu (nhiều hơn 4 chỉ tiêu so với chiến lược của Chính phủ) nhằm duy trì thành quả đạt được, từng bước bảo đảm sự tham gia một cách bình đẳng giữa nam và nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Trong đó, mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động và giáo dục đào tạo được thành phố xác định theo hướng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đảm bảo giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế và thị trường lao động.

Thành phố cũng đặc biệt quan tâm đến chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác xã hội hóa gắn với chuẩn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục ngang tầm các nước trong khu vực Đông Nam Á; đảm bảo công bằng về cơ hội học tập cho mọi người; đồng thời, hàng năm dành khoảng 2.000 tỷ đồng cho công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học.

Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố, Thành phố cũng đặt mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế với trọng tâm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Trong đó, có nhiều hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới như mở rộng, củng cố khoa, phòng khám để tư vấn về sức khỏe sinh sản cho nam giới; thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, chương trình khám sàng lọc trước sinh, sơ sinh được đẩy mạnh; giảm tỷ lệ tai biến sản khoa...

Đa dạng hóa các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong từng lĩnh vực ảnh 1Chương trình xe buýt màu cam hưởng ứng "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới" tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TXVN)

“Đặc biệt, thành phố cũng xác định mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Theo đó, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ các cấp vượt so với yêu cầu (tỷ lệ nữ từ 15% trở lên); tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 đạt và vượt so với 2 nhiệm kỳ trước. Đây là dấu ấn quan trọng trong chặng đường 10 năm thực hiện chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới của Chính phủ tại Thành phố Hồ Chí Minh,” bà Trần Thị Kim Thanh nhấn mạnh.

[Việt Nam chung tay thúc đẩy hợp tác quốc tế về bình đẳng giới]

Trong 10 năm qua, Thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, bố trí nguồn kinh phí đảm bảo triển khai các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong từng ngành, lĩnh vực; tăng cường các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng truyền thông, nói chuyện chuyên đề, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, hội thi, loa phát thanh…

Đồng thời, tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ đến từng cơ sở, địa phương như “Chương trình can thiệp Thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em gái tại thành phố Hồ Chí Minh,” “Chương trình quyền phụ nữ: Phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và thúc đẩy phụ nữ tham gia quản lý nhà nước và hoạt động xã hội,” “Giới và sinh kế bền vững cho người thu gom rác dân lập”… đã góp phần thay đổi cách tiếp cận về bình đẳng giới ở các cấp ngành, nâng cao năng lực, nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới của phụ nữ và cả nam giới.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng nêu lên nhiều thách thức về bình đẳng giới như việc lồng ghép giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động còn nhiều bất cập, thiếu sự chỉ đạo thống nhất từ các bộ, ngành.

Hệ thống dữ liệu của bảo hiểm xã hội địa phương không tách biệt về giới tính, không phản ánh được tình hình tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế của lao động nam nữ trong các ngành, lĩnh vực.

Nhiều đại biểu cũng nhìn nhận cơ chế phối hợp liên ngành, lĩnh vực hiện gặp nhiều khó khăn trong quá trình tham mưu, triển khai công tác bình đẳng giới; vấn đề giới trong ngành, lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức.

Các đại biểu đề nghị các Bộ, ngành Trung ương cần có sự hướng dẫn cụ thể, tiêu chí đánh giá, đo lường trong việc xây dựng thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em; đối với các chương trình, hoạt động thí điểm do các Tổ chức quốc tế tại Việt Nam hỗ trợ cần được thảo luận, vận hành thử nghiệm và điều chỉnh nhằm phù hợp với văn hóa Việt Nam, đáp ứng yêu cầu chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục