Đã có trên 2.000 link vi phạm quyền tác giả âm nhạc bị tháo gỡ

Theo Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, trung tâm đã gửi cảnh báo, báo cáo vi phạm về quyền tác giả với nhiều website, app nhạc, link vi phạm quyền tác giả; gỡ trên 2.000 link.

Năm 2019, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) sẽ xử lý rốt ráo vấn đề tác quyền âm nhạc nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi hợp pháp của các tác giả.

Đây là khẳng định của ông Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam ngày 19/12, tại Hà Nội.

Theo ông Đinh Trung Cẩn, trong năm 2018, trung tâm phát hiện hành vi xâm phạm quyền, thu thập tài liệu và chứng cứ vi phạm, lập vi bằng, gửi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu xử lý xâm phạm quyền tác giả ở nhiều lĩnh vực đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, trung tâm đã gửi cảnh báo, báo cáo vi phạm về quyền tác giả đối với nhiều website, ứng dụng (app) nhạc, các bản ghi (link) vi phạm quyền tác giả. Đã có trên 2.000 link vi phạm bị tháo gỡ.

Một trong các vụ việc vi phạm nổi cộm là vụ việc của Công ty Cổ phần Sky Music địa chỉ tại số 7/1 Thành Thái, phường 14, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.

Công ty Cổ phần Sky Music đã vi phạm quyền tác giả trên 90% tác phẩm của gần 700 tác giả âm nhạc trong nước, quốc tế do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam bảo hộ quyền. Trung tâm đã hoàn thiện hồ sơ, chuyển sang cơ quan chức năng để xử lý hình sự.

Chánh văn phòng Hội Nhạc sỹ Việt Nam, nhạc sỹ Đinh Công Thuận cũng cho biết, trước diễn biến phức tạp của vụ việc, Hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhạc sỹ Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ tám tại Hà Nội ngày 29/11/2018 ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03/NQ-HNS về việc bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Nghị quyết nêu rõ, Ban Chấp hành Hội Nhạc sỹ Việt Nam yêu cầu Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam với quyền hạn và trách nhiệm đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan cần tiến hành ngay các biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền tác giả.

[Sẽ thu phí bản quyền âm nhạc tại các cơ sở karaoke từ tháng 7]

Trong trường hợp cần thiết, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đề nghị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả của Công ty Cổ phần Sky Music theo quy định của pháp luật.

Từ năm 2016, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã phát hiện Công ty Cổ phần Sky Music có hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Trong 2 năm qua, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã nhiều lần làm việc, giải thích pháp luật và khuyến cáo Công ty Cổ phần Sky Music về hành vi trái pháp luật.

Trung tâm đã tích cực thu thập chứng cứ, lập vi bằng, đối soát tác phẩm của thành viên, làm việc nhiều lần với các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở kinh doanh trên địa bàn các quận/huyện của Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội nhằm làm rõ hành vi xâm phạm quyền tác giả của Công ty Cổ phần Sky Music.

Gần đây nhất, Trung tâm đã gửi cảnh báo vi phạm và yêu cầu Công ty Cổ phần Sky Music chấm dứt ngay hành vi xâm phạm quyền tác giả; báo cáo cơ quan chủ quản, các cơ quan quản lý Nhà nước về hành vi xâm phạm quyền tác giả của Công ty Cổ phần Sky Music.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cũng đã gửi thông tin về hành vi xâm phạm quyền tác giả của Công ty Cổ phần Sky Music đối với các tác phẩm âm nhạc, bao gồm cả nhạc Việt Nam và nhạc quốc tế, đến Liên minh Hiệp hội quốc tế các nhà soạn nhạc và soạn lời (CISAC), các tổ chức quản lý tập thể quyền nước ngoài (CMOs) đã ký thỏa thuận ủy quyền với Trung tâm.

Hiện có một số tổ chức quản lý tập thể quyền của Anh (PRS), Australia (APRA), Canada (SOCAN), Hàn Quốc (KOMCA)… đã gửi văn bản xác nhận trong đó nêu rõ việc các tổ chức quản lý tập thể quyền nước ngoài không ủy quyền cho Công ty Cổ phần Sky Music, đồng thời yêu cầu công ty chấm dứt ngay vi phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục