Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 27/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 260.851.317 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.205.838 ca tử vong.
Tổng số ca đã khỏi bệnh là 235.654.125 ca và số bệnh nhân đang được điều trị là 19.991.354 ca, trong đó có 83.140 ca nguy kịch.
Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca mắc và tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới với 799.088 ca tử vong trong tổng số 49.044.219 ca mắc.
Tiếp theo là Ấn Độ với 467.468 ca tử vong trong số 34.555.431 ca mắc; Brazil ghi nhận 614.000 ca tử vong trong tổng số 22.067.630 ca mắc.
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới ghi nhận thêm 561.719 ca mắc mới, 394.518 người khỏi bệnh và 6.287 ca tử vong.
[WHO đặt tên mới cho biến thể B.1.1.529 của SARS-CoV-2 là Omicron]
Sau khi giới khoa học lần đầu phát hiện tại châu Phi các ca nhiễm siêu biến thể của virus SARS-CoV-2 là B.1.1.529 có số lượng đột biến rất cao, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tổ chức họp, đặt tên cho biến thể mới này là Omicron, đồng thời tuyên bố đây là biến thể “đáng quan ngại.”
WHO cho biết các công cụ phát hiện virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hiện tại có thể phát hiện biến thể này.
Cho đến nay, biến thể Omicron đã được phát hiện ở Nam Phi, Botswana, Israel, Bỉ và Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc).
Trước tình hình này, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã hoãn hội nghị bộ trưởng dự kiến diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) trong tuần tới, trong khi hàng loạt quốc gia khẩn trương siết chặt các quy định đi lại.
Kể từ ngày 29/11 tới, Mỹ sẽ hạn chế đi lại từ Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi.
Tuy nhiên, các hạn chế đi lại mới sẽ không áp dụng đối với công dân Mỹ và thường trú nhân hợp pháp.
Các quan chức y tế Mỹ cũng đang liên hệ chặt chẽ với giới chức y tế Nam Phi để tìm hiểu thêm về biến thể Omicron và liệu biến thể mới này có kháng vaccine hay không.
Tại châu Âu, ngày 26/11, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cảnh báo nguy cơ "từ cao tới rất cao" biến thể Omicron sẽ lan rộng tại châu lục này.
ECDC nêu rõ hiện vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn về khả năng lây nhiễm, nguy cơ tái nhiễm, tác động tới hiệu quả của vaccine cũng như các đặc tính khác của biến thể mới này, song kêu gọi các nước tiến hành phân tích chuỗi gene và truy vết các ca nhiễm biến thể mới, đồng thời hối thúc người dân tránh du lịch tới các khu vực bị ảnh hưởng.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã kêu gọi dừng tất cả liên kết không vận với các địa điểm đã phát hiện biến thể Omicron, đồng thời cho biết các hãng sản xuất vaccine phải điều chỉnh mũi tiêm ngay khi các biến thể mới xuất hiện.
Bà nhấn mạnh: "Điều quan trọng hiện nay là toàn bộ châu Âu phải hành động nhanh chóng, quyết đoán và đoàn kết. Cần phải đỉnh chỉ mọi liên kết không vận với các nước (đã phát hiện biến thể Omicron) cho tới khi chúng ta hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của biến thể mới này."
Bên cạnh đó, bà kêu gọi công dân Liên minh châu Âu (EU) tiêm vaccine và nâng cao khả năng bảo vệ với mũi tăng cường.
Slovenia - quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU - cùng ngày thông báo các nước trong khối đã nhất trí tạm ngừng hoạt động đi lại tới miền Nam châu Phi sau khi phát hiện biến thể Omicron.
Một nguồn tin EU cho biết các biện pháp hạn chế sẽ được áp dụng với Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia và Zimbabwe.
Tại châu Á, trong nỗ lực đối phó với biến thể Omicron, Văn phòng tổng thống Philippines cho biết nước này đã đình chỉ các chuyến bay quốc tế đến từ Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Eswatini và Mozambique cho đến ngày 15/12 tới.
Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo từ ngày 27/11 cấm nhập cảnh vào vùng lãnh thổ này đối với du khách không phải cư dân Hong Kong tới từ 8 quốc gia miền Nam châu Phi gồm Nam Phi, Botswana, Eswatini, Lesotho, Malawi, Mozambique, Namibia và Zimbabwe, nếu họ từng ở những quốc gia đó trong vòng 21 ngày trước đó.
Tại Nam Phi, nơi ghi nhận các trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron, chính phủ nước này đã kêu gọi người dân duy trì cảnh giác phòng, chống đại dịch COVID-19, tự bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách tiêm vaccine, đồng thời tránh tham gia những sự kiện tụ họp đông người dịp cuối năm.
Liên quan tới vaccine ngừa COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) cho biết từ năm 2022, EU sẽ chấm dứt cơ chế xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 và thực hiện một cơ chế giám sát mới.
Kể từ ngày 1/1/2022, các nhà sản xuất vaccine trong EU sẽ không được xin phép xuất khẩu vaccine ra ngoài khối. Tuy nhiên, EU vẫn sẽ đảm bảo tính minh bạch trong xuất khẩu vaccine thông qua một cơ chế giám sát mới đang được xây dựng.
Cơ chế xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 được EU ban hành vào cuối tháng 1 vừa qua sẽ hết hạn vào ngày 31/12 tới.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 25/11 kêu gọi đẩy mạnh tiêm chủng ở EU, nơi đang phải hứng chịu một làn sóng lây nhiễm mới trong khi gần 1/4 người trưởng thành vẫn chưa được tiêm phòng đầy đủ./.