Đã có gần 6.600 người trên thế giới tử vong vì virus Ebola

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã có gần 6.600 người trên thế giới tử vong vì Ebola và hầu hết các nạn nhân đều thuộc khu vực Tây Phi.
Vận chuyển thi thể nạn nhân tử vong vì virus Ebola ở Monrovia, Liberia. (Nguồn: AP)

Phóng viên TTXVN tại Ai Cập dẫn báo cáo ngày 12/12 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã có gần 6.600 người trên thế giới tử vong vì Ebola. Hầu hết các nạn nhân đều thuộc khu vực Tây Phi.

Báo cáo của WHO nêu rõ tính đến ngày 10/12, đã có 18.188 trường hợp bị nhiễm virus chết người này tại Guinea, Liberia và Sierra Leone, trong đó có 6.583 người đã tử vong.

Dù không cung cấp bản thống kê cập nhật về những trường hợp nhiễm Ebola ở các nước khác, song WHO cho biết số người tử vong ở các nước ngoài khu vực Tây Phi vẫn không thay đổi, gồm 6 người ở Mali, 1 người ở Mỹ, và 8 người ở Nigeria. Các nước trên đều đã tuyên bố hết dịch Ebola trong tháng Mười vừa qua.

Tây Ban Nha và Senegal cũng tuyên bố hết dịch Ebola, trong đó mỗi nước ghi nhận có một trường hợp dương tính nhưng không tử vong.

Hồi đầu tuần này, Sierra Leone đã trở thành quốc gia có số người nhiễm Ebola nhiều nhất thế giới, với 8.069 trường hợp và 1.899 ca tử vong. Trong khi đó, Liberia lại chứng kiến sự sụt giảm rõ ràng số ca lây nhiễm mới trong tháng qua.

Tính đến 7/12, quốc gia này ghi nhận 7.765 trường hợp nhiễm Ebola và 3.222 ca tử vong, tăng lần lượt là 49 ca và 45 ca theo số liệu thống kê từ 4 ngày trước đó. Guinea, quốc gia Tây Phi thứ 3 chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Ebola, cũng đã ghi nhận 2.354 trường hợp nhiễm Ebola và 1.462 ca tử vong.

Cùng ngày, giới chức y tế Guniea-Bissau thông báo một người đàn ông vừa trở về từ quốc gia láng giềng Guinea, đang được điều trị vì nghi nhiễm Ebola. Người đàn ông này bị sốt trên 39 độ và đã được cách ly theo dõi khi cố vượt qua cửa khẩu Fulamori hôm 10/12.

Trước đó một ngày, Guniea-Bissau đã mở lại đường biên giới dài 300 km với quốc gia láng giềng Guinea sau gần 4 tháng đóng cửa do lo ngại dịch Ebola lan tràn. Tháng 11 vừa qua, một nhóm nhân viên y tế thuộc WHO đã cảnh báo do thiếu hệ thống y tế cần thiết nên Ginea-Bissau sẽ không thể đối phó với sự lan tràn của dịch Ebola. Cho đến nay, quốc gia này vẫn chưa ghi nhận trường hợp nhiễm Ebola nào.

Cũng trong ngày 12/12, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp 500 triệu USD nhằm giúp các nước Tây Phi đối phó với dịch Ebola trong 6 tháng tới.

UNICEF cho biết đã nhận được số tiền 200 triệu USD kêu gọi lần trước, song tổ chức này vẫn cần thêm 300 triệu USD. Theo người phát ngôn của UNICEF Sarah Crowe, số tiền trên sẽ được dành để hỗ trợ khoảng 10.000 trẻ em mất cha/mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ do bị nhiễm virus chết người này, cũng như đưa các trẻ có quan hệ với những bệnh nhân bị nhiễm Ebola tới các trung tâm chăm sóc sức khỏe để theo dõi trong giai đoạn ủ bệnh 21 ngày.

Ngoài ra, số tiền trên cũng sẽ giúp UNICEF đối phó với 2 nguồn lây chính của Ebola là thiếu sự cách ly sớm và chôn cất không an toàn, đồng thời giúp tổ chức này cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe ở các nước Tây Phi.

Trước những diễn biến khó lường của dịch Ebola, Sierra Leone - một trong 3 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh này tại Tây Phi, đã tuyên bố cấm mọi hoạt động tổ chức Giáng sinh và đón chào Năm mới nơi công cộng. Các binh lính sẽ được triển khai trên đường phố trong thời gian này nhằm ngăn chặn mọi hoạt động tổ chức đón chào Giáng sinh và Năm mới của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục