Đã có 32 tỉnh, thành phố xác định, công bố cấp độ dịch COVID-19

Trong số các tỉnh này, 18 tỉnh xác định là cấp độ 1; 14 tỉnh, thành phố là cấp độ 2. Đáng chú ý, trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, có Đà Nẵng và Cần Thơ đã xác định cấp độ dịch.
Đã có 32 tỉnh, thành phố xác định, công bố cấp độ dịch COVID-19 ảnh 1Một cửa hàng bánh trên phố Huế thực hiện nghiêm túc 5K yêu cầu khách đến mua xếp hàng đảm bảo giãn khoảng cách. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại các địa phương, đến 18 giờ ngày 18/10, đã có 32 tỉnh, thành phố xác định, công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP về Quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.”

Trong số các tỉnh này, 18 tỉnh là cấp độ 1; 14 tỉnh, thành phố: cấp độ 2. Đáng chú ý, trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, có Đà Nẵng và Cần Thơ đã xác định cấp độ dịch.

Cụ thể, 18 địa phương xác định, công bố cấp độ dịch là cấp 1 gồm: Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Điện Biên, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Nai, Bến Tre, Bình Thuận, Sóc Trăng.

Riêng với Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đánh giá cấp độ dịch trên địa bàn Hà Nội với các tiêu chí 1 (về tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng/dân số/thời gian) và tiêu chí 2 (về độ bao phủ vaccine) ở cấp độ 1.

Tại Ninh Bình, mặc dù chưa công bố cấp độ dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP, nhưng theo lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, tình hình phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương hiện nay tương ứng với cấp độ 1.

Hoạt động vận tải hành khách, lưu thông nội tỉnh; hoạt động của các cơ quan, công sở, trường học diễn ra bình thường.

Ninh Bình kiểm soát chặt chẽ những người vào tỉnh từ huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) và thị xã Bỉm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) - là 2 địa phương đang có dịch diễn biến phức tạp.

14 địa phương xác định, công bố cấp độ dịch là cấp 2 gồm: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn La, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Quảng Trị, Đắk Lắk, Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long.

Đến thời điểm này, nhiều tỉnh, thành phố chưa chính thức ban hành văn bản xác định cấp độ dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP, nhưng đã có hướng dẫn, triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch để ổn định đời sống và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Nghị quyết 128/NQ-CP quy định phân loại cấp độ dịch theo 4 cấp: Cấp 1 - nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh; cấp 2 - nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng; cấp 3 - nguy cơ cao tương ứng với màu cam; cấp 4 - nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.

['Việc chuyển trạng thái bình thường mới cần đảm bảo tính thống nhất']

Cấp 1: Các sự kiện trong nhà và ngoài trời không hạn chế số người. Những lĩnh vực được hoạt động gồm vận tải công cộng đường bộ, đường thủy, hàng hải; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; nhà hàng, quán ăn, chợ truyền thống; các cơ quan, công sở; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng, điểm tham quan du lịch; biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao...

Người dân cần tuân thủ 5K, sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin để đăng ký tiêm chủng, khai báo y tế, khám chữa bệnh; tuân thủ về các điều kiện đi lại giữa các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau.

Cấp 2: Hạn chế các sự kiện tập trung đông người trong nhà, ngoài trời hoặc tổ chức có điều kiện. Các điều kiện cụ thể về chuyên môn, xét nghiệm do Bộ Y tế hướng dẫn. Địa phương căn cứ vào thực tiễn để quy định số người tham gia.

Vận tải hành khách công cộng được hoạt động, theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải.

Cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, massage, bar, internet, trò chơi điện tử, làm tóc, làm đẹp... phải ngừng hoặc hạn chế.

Địa phương sẽ quyết định các dịch vụ nguy cơ khác được hoạt động hay không. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định điều kiện hoạt động của những người bán hàng rong, vé số dạo...

Các hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp vẫn được tổ chức theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bộ quy định về thời gian, số lượng học sinh...

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định số người tham gia hoạt động tại cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, địa điểm biểu diễn văn hóa, thể dục, thể thao hạn chế hoạt động; giảm công suất, số người tham dự.

Cấp 3: Nhiều hoạt động dừng hoạt hạn chế như sự kiện trong nhà, ngoài trời; vận tải hành khách công cộng; bán hàng rong, vé số dạo. Cơ quan, công sở giảm số người làm việc, tăng cường làm việc trực tuyến.

Cấp 4: Các cơ sở kinh doanh dịch vụ như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối... hạn chế hoạt động. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định số lượng người mua, bán trong cùng thời điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục