Đa cấp bất chính: Chiếc 'bánh vẽ' hoàn hảo đầy sức hút với nhiều người

Do hoạt động kinh doanh kiểu "truyền miệng" nên khi xảy ra việc lừa đảo thì hậu quả từ hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính rất lớn, có vụ lên đến hàng nghìn người với số tiền tới hàng chục tỷ đồng.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Tại Việt Nam hoạt động bán hàng đa cấp là một loại hình kinh doanh được pháp luật Việt Nam cho phép thực hiện, song do sự thông thoáng về cơ chế chính sách, hoạt động bán hàng đa cấp thời gian qua đã liên tục biến tướng, gây ra nhiều bất ổn cho xã hội.

[Chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của công ty Absonutrix Việt Nam]

Nhận diện đa cấp bất chính

Theo Sở Công Thương Hà Nội, do hoạt động kinh doanh kiểu "truyền miệng" nên khi xảy ra việc lừa đảo thì hậu quả từ hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính rất lớn, có vụ lên đến hàng nghìn người với số tiền tới hàng chục tỷ đồng.

Đơn cử như vụ việc của các công ty như: Tâm Mặt Trời, Diamond Holiday, công ty MB24, công ty Cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam và gần đây, ngày 30/5/2017 Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 4 lãnh đạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhượng quyền Thương mại Thăng Long về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Đáng chú ý, thủ đoạn của các công ty đa cấp bất chính rất tinh vi, trong đó tập trung đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người dân để mời chào người tham gia đầu tư, nộp tiền với những hứa hẹn trả các khoản lợi nhuận cao bất thường mà không phải làm gì, rồi yêu cầu người dân lôi kéo những người khác tham gia để được hưởng hoa hồng.

Đầu tiên là mời chào để người tham gia bỏ ra số tiền khoảng vài chục triệu đồng mà chẳng phải làm gì, chỉ trong một thời gian ngắn sẽ thu về hàng trăm triệu lợi nhuận sau đó là những khoản tiền lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng để nhận dược những khoản lợi nhuận khổng lồ.

Theo đại diện Sở Công Thương, đây chính là một chiếc “bánh vẽ” hoàn hảo khiến nhiều người lao vào đầu tư, tham gia.

Trong khi đó, theo phản ánh của người dân đã bị rơi vào "bẫy lừa" ​thì các công ty bán hàng đa cấp bất chính thường dụ dỗ người dân đầu tư, tham gia, mua hàng nhưng không xuất hàng cho người mua mà khuyến khích người mua gửi hàng tại kho của công ty khi nào bán được hàng thì đến lấy.

​Thậm chí, một số công ty đề nghị người dân ký vào phiếu xuất kho do người của công ty cung cấp khi chưa được nhận hàng hóa, thực chất đây là dấu hiệu lừa đảo vì công ty đó không có hàng để xuất trả cho người mua, công ty dùng chiêu này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.

​"Nhiều sản phẩm cũng bị doanh nghiệp thổi phồng về công dụng như quảng cáo thực phẩm chức năng mà có tác dụng chữa ung thư, chữa bách bệnh như thần dược,… để dụ dỗ người dân mua hàng," đại diện Sở Công Thương Hà Nội khuyến cáo.

Cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động kinh doanh đa cấp. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Thanh lọc để lành mạnh thị trường

Thống kê của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, từ năm 2016 đến 9/2017 trên địa bàn thành phố đã có 15 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép, 14 doanh nghiệp xin chấm dứt hoạt động và 2 doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động.

Như vậy, đến giữa tháng 8/2017, cả nước chỉ còn 36 doanh nghiệp đang hoạt động, giảm 12% so với cuối năm 2016, giảm 46% so với tổng số doanh nghiệp được cấp phép theo Nghị định 42/2014/NĐ-CP, riêng tại địa bàn Hà Nội có 31 doanh nghiệp đang hoạt động, giảm 8,8% so với cuối năm 2016 và giảm 45,6% so với tổng số doanh nghiệp đã thông báo hoạt động theo NĐ 42/2014/NĐ-CP.

Đặc biệt, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp cũng giảm rõ rệt. Thống kê đến hết quý 2/2017, tại địa bàn Hà Nội số người tham gia bán hàng đa cấp là 68.289 người, giảm 24% so với năm 2016 và giảm 66% so với năm 2015.

- Biểu đồ doanh nghiệp đa cấp trên địa bàn Hà Nội:

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, 8 tháng đầu năm, cơ quan này đã xử lý vi phạm 6 doanh nghiệp với số tiền xử phạt lên tới 800 triệu đồng đồng thời đang tiếp tục thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp theo kế hoạch.

​Trong khi đó, các cơ quan khác như Cục Thuế Hà Nội và Công an Hà Nội cũng mạnh tay kiểm tra​ và xử lý các doanh nghiệp trong lĩnh vực đa cấp.

Tuy nhiên, sau quá trình triển khai, đã nảy sinh một số bất cập. Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội thì việc thiếu các quy định về kiểm soát giá của sản phẩm bán hàng đa cấp đã khiến nhiều doanh nghiệp bán giá cao gấp ​nhiều lần so với giá mua vào nhằm kiếm lời bất chính.

Bên cạnh đó, thẩm quyền xử lý vi phạm đối với hoạt động bán hàng đa cấp của địa phương còn hạn chế, nhiều nội dung doanh nghiệp phải thực hiện đã được quy định tại Nghị định 42/2014/NĐ-CP, Thông tư 24/2014/TT-BCT tuy nhiên Sở Công thương các địa phương không có thẩm quyền xử lý vi phạm.

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cũng cho rằng, mức xử lý vi phạm đối với hoạt động bán hàng đa cấp quy định tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP thấp, chưa đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp có hành vi gian dối.

"Có doanh nghiệp bán hàng đa cấp không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký nhưng không khai báo với cơ quan thuế và các cơ quan có liên quan nên khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan nhà nước," ông Hải cho hay.

Do vậy, để thanh lọc thị trường, ngoài việc hoàn thiện các văn bản pháp luật trong lĩnh vực này, ông Hải cũng đề nghị Bộ Công Thương hàng năm phối hợp với Bộ Công an điều tra, xác minh đối với các dấu hiệu lừa đảo người dân dựa trên phương thức bán hàng đa cấp của tất cả các doanh nghiệp qua đó xử lý nghiêm minh nhằm ngăn chặn hậu quả xấu có thể xảy ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục