Ngày 4/2, Tổng Thư ký Nhóm các nước Hồi giáo đang phát triển (D-8), Ali Mohammad Musavi, đã lên tiếng kêu gọi các nước phương Tây nhanh chóng cắt giảm các biện pháp cấm vận chống Iran, cho rằng điều đó sẽ giúp thúc đẩy tiến trình hợp tác kinh tế của thế giới Hồi giáo.
Ông Musavi nói: "Iran là một trong các cường quốc ở khu vực, là thành viên có nhiều ảnh hưởng của D-8 cũng như thị trường toàn cầu. Iran có nền kinh tế phát triển ổn định, nếu các biện pháp cấm vận nhanh chóng được giảm nhẹ và dỡ bỏ, sẽ giúp ích rất nhiều cho D-8 và thị trường thế giới nói chung.”
Ngoài Iran, D-8 còn 7 thành viên khác, là Ai Cập, Bangladesh, Indonesia, Malaysia, Nigeria, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan.
Cùng ngày, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo), Vladimir Voronkov đã kêu gọi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc sớm dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt chống Iran ngay sau khi Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) làm sáng tỏ tất cả các vấn đề liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran.
Ông cho biết Iran đang "hợp tác đầy đủ" với IAEA và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức) để chứng minh sự "vô căn cứ" trong quan điểm của phương Tây, cho rằng quốc gia vùng Vịnh này vẫn nuôi tham vọng chế tạo vũ khí hạt nhân.
Liên quan đến vấn đề hạt nhân ở Iran. Hãng thông tấn chính thức IRNA ngày 4/2 dẫn lời Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết Tehran sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hạt nhân cuối cùng với các cường quốc.
Bình luận trên của ông Rouhani được đưa ra tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt đang ở thăm Iran. Ông Rouhani cho rằng nếu Phương Tây “chân thực và nghiêm túc,” có khả năng sẽ đạt được thỏa thuận.
Cùng ngày, phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Ngân khố nước này khẳng định biện pháp nới lỏng trừng phạt lên Iran là có giới hạn và các nước né tránh lệnh trừng phạt sẽ bị phạt.
Quan chức thuộc Bộ Ngân khố Mỹ David Cohen cho biết trong vòng 6 tuần qua, ông đã tới thăm Anh, Đức, Italy, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) với thông điệp rằng: “Iran chưa được mở cửa cho hoạt động kinh doanh” bởi việc nới lỏng lệnh trừng phạt mới chỉ “mang tính tạm thời, hạn chế và có mục tiêu”./.