Ngày 7/1, Cyprus đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ gây căng thẳng sau khi Ankara thông báo sẽ tiếp tục hoạt động thăm dò khí đốt ở khu vực gần bờ biển phía Nam của đảo quốc Địa Trung Hải này.
Ngoại trưởng Cyprus Ioannis Kasoulides tuyên bố nước này không thể quay trở lại bàn đàm phán hòa bình với Thổ Nhĩ Kỳ theo sáng kiến của Liên hợp quốc vốn bị đình trệ nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục vi phạm chủ quyền của Cyprus, đồng thời cáo buộc Ankara và cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang tìm cách phá hoại tiến tình hòa đàm nhằm tái thống nhất đảo Cyprus.
Thổ Nhĩ Kỳ vừa thông báo chuẩn bị đưa tàu thăm dò tới khu vực ngoài khơi chỉ cách thành phố Limassol, miền Nam Cyprus, 32,4km và các hoạt động thăm dò khí đốt sẽ diễn ra đến tháng Tư. Đây cũng là nơi Cyprus đã cấp phép khoan thăm dò cho liên doanh ENI-Kogas của Italy và Hàn Quốc.
Tổng thống Cyprus Nicos Anastasiades đã đình chỉ các cuộc hòa đàm dưới sự trung gian của Liên hợp quốc hồi cuối tháng 10 năm ngoái, sau khi Ankara đưa một tàu thăm dò tới thu thập dữ liệu tại vùng đặc quyền kinh tế của Cyprus theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.
Trong khi đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định hoạt động thăm dò này là nhằm bảo vệ các lợi ích của người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ và được thực hiện với sự cho phép của cộng đồng này.
Đảo Cyprus bị chia cắt từ năm 1974 sau khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm đóng 1/3 lãnh thổ phía Bắc đảo này và lập nên Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus của người gốc Thổ Nhĩ Kỳ, song không được quốc tế công nhận.
Nhà nước Cyprus do người gốc Hy Lạp quản lý, nằm ở phần lãnh thổ phía Nam được cộng đồng quốc tế thừa nhận.
Liên hợp quốc đã đưa ra kế hoạch hòa bình nhằm tái thống nhất đảo Cyprus, nhưng đã bị người Cyprus gốc Hy Lạp bác bỏ trong cuộc trưng cầu ý dân năm 2004.
Ông Anastasiades và lãnh đạo cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ Dervis Eroglu từng cam kết tìm cách chấm dứt tình trạng chia cắt hòn đảo này khi họ khởi động lại tiến trình hòa đàm vào tháng 2/2014 sau hai năm đình trệ, song các cuộc đàm phán từ đó đến nay không đạt tiến bộ rõ rệt và nhiều lần bị trì hoãn./.