Cựu tổng thống "ăn" giày

Cựu tổng thống Pakistan Pervez Musharraf "ăn" giày

Một nhóm khoảng 20 luật sư đã biểu tình chống lại ông Pervez Musharraf ở Tòa tối cao Sindh, hô vang “đồ độc tài đáng bị treo cổ”.
Một luật sư người Pakistan ngày 29/3 đã ném giày vào nhà cựu lãnh đạo Pervez Musharraf khi ông này bước vào phòng xét xử của tòa án để gia hạn tại ngoại, sau khi bị truy tố âm mưu giết người và sa thải các thẩm phán bất hợp pháp. Một nhóm khoảng 20 luật sư đã biểu tình chống lại nhà lãnh đạo trước đây của chính quyền quân sự Pakistan ở Tòa tối cao Sindh. Nhiều người hô vang “đồ độc tài đáng bị treo cổ” trước khi một người ném giày vào ông. Trong thế giới Hồi giáo, ném giày vào một người được coi là cử chỉ nhục mạ nặng nề. Chiếc giày không trúng ông Musharraf. Các nhân chứng cho biết người ném giày đã bị các nhân viên an ninh mặc thường phục đưa đi. Ông Musharraf vừa trở về Pakistan hôm Chủ nhật trước sau bốn năm lưu vong.Ông có mặt tại tòa để gia hạn việc tại ngoại hầu tra được quyết định tuần trước, liên quan tới vụ sát hại bà Benazir Bhutto năm 2007, vụ sa thải các thẩm phán năm 2007 và cái chết của một thủ lĩnh Baluch năm 2006. Các quan chức ở tòa nói việc tại ngoại của ông Musharraf đã được gia hạn thêm hai tuần. Một thành viên thuộc đảng Liên đoàn Hồi giáo toàn Pakistan nói ông được gia hạn tại ngoại thêm 21 ngày liên quan tới hai vụ khác. Nhà lãnh đạo này vẫn là một nhân vật đầy tranh cãi tại Pakistan gần năm năm sau khi ông từ nhiệm. Ông Musharraf đã khẳng định sẽ ra tranh cử vào tháng 5 tới, nhưng không được coi là ứng cử viên đáng kể. Khi còn tại vị, ông Musharraf là một đồng minh then chốt của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, một liên minh gây rất nhiều tranh cãi ở Pakistan. Ông Musharraf từng thoát ít nhất ba vụ ám sát do Al Qaeda tiến hành.

An ninh khám xét người ra vào văn phòng tranh cử của ông Pervez Musharraf (Nguồn: AFP)
Con trai của bà Bhutto, Bilawal Bhutto Zardari, hiện đang là chủ tịch Đảng Nhân dân Pakistan, đã cáo buộc ông Musharraf sát hại mẹ mình. Năm 2010, một báo cáo của Liên Hợp Quốc nói chính quyền Musharraf lẽ ra đã có thể ngăn chặn vụ ám sát bà Bhutto, nhưng lại không cung cấp cho bà đủ sự bảo vệ an ninh./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục