Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra ra tòa để lấy lời khai

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã có mặt trong phiên tòa sơ bộ cuối cùng liên quan đến chương trình mua tạm trữ gạo gây nhiều tranh cãi dưới thời của bà tại thủ đô Bangkok.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra ra tòa để lấy lời khai ảnh 1Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 21/7, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã có mặt trong phiên tòa sơ bộ cuối cùng liên quan đến chương trình mua tạm trữ gạo gây nhiều tranh cãi dưới thời của bà tại thủ đô Bangkok.

Bà Yingluck đã tới Tòa án hình sự chuyên xét xử những quan chức cấp cao thuộc Tòa án Tối cao Thái Lan.

Chính quyền Bangkok đã cho thắt chặt an ninh tại khu vực này, triển khai hàng trăm cảnh sát để bảo vệ trụ sở tòa án. Thủ tướng Prayut Chan-o-chan kêu gọi những người ủng hộ bà Yingluck không nên có các hành động phá rối phiên tòa.

[Thái Lan: Tiến trình tịch thu tài sản của bà Yingluck gặp trở ngại]

Theo kế hoạch, sẽ có ba nhân chứng sẽ lấy lời khai tại phiên tòa ngày 21/7. Luật sư của bà Yingluck cũng sẽ đề nghị tòa cho phép cựu Thủ tướng đưa ra lời khai khi kết thúc phiên tòa.

Theo thủ tục xét xử, cả bên bị và bên nguyên đều được phép ra các lời khai trong vòng 30 ngày sau phiên tòa sơ bộ cuối cùng. Tòa án sẽ ra phán quyết trong vòng 14 ngày sau đó, dự kiến sẽ công bố trong tháng Chín.

Nếu bị phán quyết có tội, bà Yingluck sẽ phải đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù giam và tịch thu tài sản lên tới 35 tỷ baht để bồi thường cho những thiệt hại do chương trình trợ giá gạo gây ra.

Chương trình trợ giá gạo là một nội dung chủ đạo trong chiến dịch tranh cử của bà Yingluck cùng đảng Pheu Thai, đã giúp bà giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2011. Theo chương trình này, Chính phủ Thái Lan mua gạo của nông dân với giá gấp đôi giá thị trường và trữ tại các kho chứa của nhà nước trên toàn quốc.

Tháng 5/2014, bà Yingluck bị Tòa án Hiến pháp Thái Lan cáo buộc vi phạm hiến pháp và lạm quyền. Sau đó cùng tháng, quân đội tuyên bố đảo chính lật đổ chính phủ của bà Yingluck và chính quyền quân sự lên nắm quyền do cựu Tư lệnh lục quân Prayut Chan-o-chan làm Thủ tướng. Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan cáo buộc bà Yingluck sao nhãng nhiệm vụ điều hành chương trình trợ giá gạo gây thiệt hại lớn.

Tháng 1/2015, Hội đồng Lập pháp quốc gia Thái Lan (NLA) đã bỏ phiếu nhất trí buộc tội bà Yingluck sao nhãng nhiệm vụ trong việc giám sát chương trình trợ giá lúa gạo và gây thiệt hại lớn cho đất nước. Với lời buộc tội này, bà Yingluck bị cấm tham gia các hoạt động chính trị trong năm năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục