Trả lời phỏng vấn của nhật báo hàng đầu Italy La Stampa, cựu Thủ tướng nước này Romano Prodi cho rằng, nếu Liên minh châu Âu (EU) không thể làm tốt vai trò của mình trong việc giải cứu Hy Lạp khỏi cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại, Mỹ và Trung Quốc cần can thiệp bằng tài chính để cuộc khủng hoảng không lan rộng.
Theo người đã 5 năm làm Chủ tịch Ủy ban châu Âu này (từ 1999 đến 2004), thì chỉ có Mỹ và Trung Quốc mới có đủ tiềm lực để tránh làm cho cuộc khủng hoảng của Hy Lạp tác động nghiêm trọng đến hệ thống đồng tiền chung euro, ngăn cản không cho cuộc khủng hoảng này lan rộng tới tất cả các hệ thống kinh tế và chính trị toàn cầu.
Ông cho rằng, những vấn đề của đồng euro và khối EU có những tác động không nhỏ đối với Mỹ và Trung Quốc, trong hoàn cảnh Mỹ đã thoát khỏi khủng hoảng, còn Trung Quốc đang thể hiện vai trò ngày một lớn của mình vào các định chế tài chính và chính trị quốc tế.
Khủng hoảng của đồng euro làm cho đồng đôla Mỹ mạnh, ngăn cản xuất khẩu, và khiến cho quá trình phát triển của Trung Quốc bị ảnh hưởng. "Chính vì thế, giống như những gì đã xảy ra ở Iraq, Ukraine và nhiều sự kiện khác, các quyết định của châu Âu sẽ bị ảnh hưởng bởi các nhân tố bên ngoài. Mỹ và Trung Quốc sẽ làm tất cả để cứu đồng euro" - Ông Prodi nói.
Ông Prodi cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp có thể tạo ra những hệ quả khá nặng nề cho EU và khối Eurozone, một khi EU không nhanh chóng tìm ra một giải pháp nào đó để giải quyết vấn đề, EU sẽ mất uy tín trầm trọng. Việc từ bỏ những biện pháp thắt lưng buộc bụng để thỏa hiệp với Hy Lạp, nếu điều này xảy ra, châu Âu sẽ rơi vào tình trạng tự hủy hoại mình, nếu có thêm những trường hợp Hy Lạp khác ở trong khối.
Ông nhấn mạnh rằng, hoặc châu Âu phải là một khối thống nhất thì mới có thể lãnh đạo được toàn khối, nếu không, các lực lượng dân tộc chủ nghĩa theo hướng bảo vệ lợi ích quốc gia, vốn đang ngày càng phát triển, sẽ hủy hoại EU.
Theo ông Prodi, Đức - trong vai trò của nước giàu và mạnh nhất EU, có trách nhiệm lớn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này của không chỉ Hy Lạp mà còn cả EU.
Trong bài phỏng vấn này, ông Prodi cũng nhắc lại rằng, trong vai trò của Chủ tịch Ủy ban châu Âu, ông đã từng hỏi Đức và Pháp về việc có nên thành lập một Tòa án tài chính của khối EU hay không, nhưng đã được trả lời là "không cần thiết."
Ông Romano Prodi đã từng làm Thủ tướng Italy hai lần, từ 1996 đến 1998 và 2006 đến 2008. Ông được cho là một trong những chính khách Italy xuất sắc và có uy tín nhất, với vai trò của mình ở EU và đặc biệt là trong việc hình thành và vận hành các cơ chế của đồng tiền chung euro./.