Cựu Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont bị bắt giữ

Luật sư của cựu Thủ hiến vùng Catalonia cho biết ông Carles Puigdemont bị bắt giữ khi đang trên đường đến Sardinia với tư cách là nghị sỹ châu Âu.
Cựu Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont bị bắt giữ ảnh 1Ông Carles Puigdemont. (Nguồn: Reuters)

Nghị sỹ châu Âu và là cựu Thủ hiến vùng Catalonia (Tây Ban Nha) Carles Puigdemont đã bị bắt tại Italy vào ngày 23/9.

Luật sư của ông là Gonzalo Boye đã đưa ra thông báo này và cho biết ông Puigdemont bị bắt giữ khi đang trên đường đến Sardinia với tư cách là nghị sỹ châu Âu.

Theo luật sư Boye, ông Puigdemont bị bắt trên cơ sở lệnh bắt giữ được đưa ra hồi tháng 10/2019.

Trong khi đó, Chánh văn phòng của ông Puigdemont, Josep Lluis Alay, cho biết cựu lãnh đạo vùng Catalonia bị cảnh sát bắt tại sân bay Alghero.

[Tòa án Scotland bác bỏ vụ kiện dẫn độ cựu quan chức Catalonia]

Dự kiến, trong ngày 24/9, ông Puigdemont phải trình diện trước các thẩm phán tòa án tại Sassari, những người sẽ quyết định ông sẽ được thả hay bị dẫn độ.

Trước đó, hồi đầu năm nay, Nghị viên châu Âu (EP) đã tước quyền miễn trừ truy tố của ông Puigdemont cùng hai cựu thành viên trong chính quyền vùng là Bộ trưởng Y tế vùng Toni Comin và bà Clara Ponsati với tư cách là nghị sỹ châu Âu.

Ba nhân vật này trước đó đã bị chính quyền Tây Ban Nha buộc tội kích động nổi loạn sau cuộc trưng cầu ý dân được cho bất hợp pháp về quy chế độc lập cho vùng lãnh thổ Catalonia hồi năm 2017.

Sau sự việc này, ông Puigdemont đã lưu vong tại Bỉ.

Hồi tháng 10/2017, ông Puigdemont và chính quyền vùng Catalonia đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về quy chế độc lập cho vùng lãnh thổ này bất chấp lệnh cấm từ tòa án Tây Ban Nha.

Sau đó, vùng Catalonia đơn phương tuyên bố tách ra độc lập với Tây Ban Nha, buộc chính quyền trung ương Madrid phải can thiệp, lấy lại quyền kiểm soát trực tiếp, giải tán chính quyền vùng và kêu gọi bầu cử sớm.

Tây Ban Nha sau đó đã phát lệnh bắt giữ và tìm cách dẫn độ 3 nhân vật Puigdemont, Comin và Ponsati liên quan đến vai trò của họ trong việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân trái phép trên. Tuy nhiên, cho đến nay, Bỉ vẫn từ chối thực hiện yêu cầu của Tây Ban Nha./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục